Bờ biển Chile ô nhiễm, chim cốc dùng rác thải nhựa làm tổ

Một nghiên cứu mới được công bố, kết hợp với hình ảnh các tổ chim ở bờ biển Chile, đã cung cấp góc nhìn đáng suy ngẫm về hệ quả của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái biển.

Loài chim cốc chân đỏ phân bố dọc bờ biển giáp với hoang mạc Atacama ở miền Bắc Chile thường sử dụng hỗn hợp rong biển, lông vũ và phân chim để xây tổ.

Tuy nhiên, một số hình ảnh được ghi lại mới đây cho thấy trong tình cảnh khó khăn, nhiều con chim cốc chân đỏ đã sử dụng rác thải nhựa được ở vịnh Mejillones để làm tổ.

Giáo sư sinh học Ana García-Cegarra tại Đại học Santo Tomás Antofagasta nhận xét: “Đây có thể là khu vực ô nhiễm nhất trên thế giới mà chim có thể làm tổ”.

Những chiếc tổ chết chóc

Trong một nghiên cứu - đăng trên tạp chí Marine Pollution Bulletin - do bà García-Cegarra cùng một tổ chức phi lợi nhuận phối hợp thực hiện, các nhà khoa học phát hiện mỗi tổ chim đều chứa một ít nhựa. Những bức ảnh cho thấy nhiều chim cốc chân đỏ sử dụng túi xách bằng nhựa, dây câu cá bằng nylon và túi đựng cát công nghiệp để xây tổ cho con non.


Nhóm nghiên cứu do giáo sư García-Cegarra dẫn đầu phát hiện 100% trong số 151 tổ chim mà các nhà khoa học nghiên cứu đều chứa rác thải nhựa. (Ảnh: NBC News).

Cùng với chùm ảnh, nghiên cứu đã đưa ra một góc nhìn mới về tác động của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái đại dương và môi trường sống ven biển. Con người bắt đầu sử dụng nhựa từ thập niên 1970, nhưng sự ảnh hưởng của loại vật chất này đối với thiên nhiên chỉ mới nhận được sự chú ý trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

“Trong hầu hết báo cáo, tác hại của rác thải nhựa chủ yếu tập trung vào môi trường sinh thái biển”, nhà động vật học Mauricio Urbino tại Đại học Concepcion ở Chile cho biết.

“Điều đáng lo ngại là nếu chúng ta không hạn chế sử dụng nhựa ngay bây giờ, tình hình sẽ ngày càng tệ hơn”, Urbino nói thêm.


Dù được sử dụng rộng rãi trong suốt 5 thập kỷ, mối đe dọa mà nhựa gây ra cho môi trường tự nhiên mới chỉ bắt đầu nhận được sự chú ý từ giới khoa học và công chúng trong khoảng vài năm trở lại đây. (Ảnh: Getty).

Bà García-Cegarra cho biết nhựa là loại chất liệu rất nguy hiểm đối với các loài chim. Trong quá trình chụp ảnh tổ chim cốc chân đỏ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện nhiều cá thể chết đói trong tổ vì bị quấn vào các túi nhựa, hoặc chết ngạt do ăn nhầm loại chất liệu này.

“Những con chim này lặn rất giỏi, do đó chúng có thể thu thập nhựa từ đáy biển và đem về tổ của mình”, bà García-Cegarra nói. “Việc nuốt nhựa có thể gây tích tụ độc tố và khiến chúng tử vong”.

Mối đe dọa chung đối với sinh vật biển

Hơn 30% số nhựa từ các tổ chim mà nhóm nghiên cứu của bà García-Cegarra phân tích được đến từ túi mua sắm, vốn bị chính phủ Chile cấm sử dụng tại các siêu thị lớn từ năm 2018, nhưng vẫn được dùng bởi các đại lý nhỏ lẻ. Khoảng 35% số nhựa có nguồn gốc từ các túi cát lớn của ngành xây dựng, trong khi dụng cụ đánh cá chiếm 15%.


Giáo sư García-Cegarra thuộc Đại học Santo Tomás Antofagasta đang tiến hành ghi chép để phục vụ nghiên cứu về tác động của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái đại dương và môi trường ven biển. (Ảnh: NBC News).

“Sau gần 20 năm tập trung phát triển công nghiệp nặng và sự lỏng lẻo trong khâu quản lý sử dụng túi nhựa dùng một lần, giờ đây có lẽ lượng nhựa ở vịnh Mejillones còn nhiều hơn số rong biển dành cho các loài chim”, bà García-Cegarra nói.

Theo nhà bảo tồn biển Yacqueline Montecinos tại Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới Chile, kết quả nghiên cứu nói trên thực chất không khiến nhiều người ngạc nhiên.

“Trường hợp của những con chim cốc đáng thương này cũng tương tự tình cảnh đang diễn ra tại nhiều vùng biển khác trên thế giới. Rác thải nhựa là mối đe dọa đối với tất cả các loài động vật biển”, bà Montecinos nói.


"Đảo rác khổng lồ" Great Pacific Garbage Patch có kích thước tương đương Mexico, thường trôi dạt vào dòng chảy quanh vùng biển của Chile và được dự báo sẽ gây ra tác động đáng kể đối với môi trường sống của các loài chim. (Ảnh: Latin American Post).

Đồng quan điểm với Montecinos, bà García-Cegarra nhận xét thêm: “Những thói quen xấu của con người trong việc tiêu thụ đồ dùng làm bằng nhựa đang ảnh hưởng đến tất cả các loài động vật biển. Bây giờ là tổ chim, sau này có thể là sự sống ẩn sâu dưới đáy đại dương, hay thậm chí là bàn ăn của chúng ta, khi các loài cá và trai ăn nhầm rác thải nhựa”.

“Cần phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu việc sử dụng chất liệu nhựa”, bà García-Cegarra khẳng định.

Cập nhật: 06/10/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video