Những bức ảnh được cặp đôi người Anh ghi lại trong chuyến du lịch đã lan truyền với tốc độ chống mặt vì cho thấy tốc độ tan chảy đáng kinh ngạc của các dòng sông băng ở Thụy Sĩ.
Lần đầu đến thăm sông băng Rhône vào tháng 8/2009, Duncan và Helen Porter (du khách Anh) chụp một bức ảnh lưu niệm với khung cảnh ở đây.
Sau gần 15 năm, cặp vợ chồng mới quay trở lại đây cùng 2 cô con gái và họ đã chụp một bức ảnh ở cùng vị trí nhưng với phông nền rất khác.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Porter cho biết: "Đó là sự thật, sự thay đổi này đã khiến tôi bật khóc". Bài viết với 2 bức ảnh đã thu hút hơn 4,4 triệu lượt xem và hơn 9.585 lượt đăng lại.
Trong bức ảnh được chụp hôm 5/8, lớp băng trắng khổng lồ tan chảy để lộ ra những tảng đá xám gồ ghề và một hồ nước bao phủ phía trước. Bức ảnh đã đóng khung một phần của cuộc sự biến đổi khí hậu, sự tương phản rõ rệt trong 2 bức ảnh đã thu hút sự chú ý của mọi người.
Bức ảnh trên được chụp vào tháng 8/2009, bức ảnh dưới được chụp đầu tháng 8 năm nay. (Ảnh: Duncan Porter).
Theo Euro News, châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới. Nhiệt độ trung bình ở đây đã tăng lên khoảng 2,3 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa, cao hơn 1,3 độ C so với mức tăng toàn cầu.
Nhiệt độ từ nhiên liệu hóa thạch đang bào mòn các vùng đóng băng, dẫn đến tình trạng các sông băng biến mất trên diện rộng.
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sĩ (SCNAT) và Glacier Monitoring Switzerland (GLAMOS) công bố năm ngoái, Thụy Sĩ đã mất khoảng 10% băng hà trong 2 năm, 1/3 khối lượng sông băng của quốc gia này đã tan chảy kể từ năm 2000.
Sông băng Rhône bắt nguồn từ dãy núi Alps của Thụy Sĩ, là một trong những sông băng chính cung cấp nước cho hồ Geneva. (Ảnh: Patrick Robert Doyle).
Bên cạnh đó, các sông băng ở Áo và Italy cũng đang bị đe dọa, bao gồm cả các dòng sông băng biểu tượng ở Dolomites.
Trước đó, một nghiên cứu đã kết luận rằng một nửa số sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21, ngay cả khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn ở 1,5 độ C. Theo tác giả, những hành động vì khí hậu vẫn có thể cứu vãn phần còn lại.
Helen Porter chia sẻ với tờ The Guardian rằng: "Nhiều người cảm thấy rất bất lực khi chứng kiến điều này".
Mặc dù bài đăng còn thu hút sự chú ý của nhiều người phủ nhận sự biến đổi khí hậu, Porter cho biết anh chỉ quan tâm đến "những bình luận thực sự tử tế".
Một cư dân sống ở Bristol - thành viên của một nhóm hành động chống biến đổi khí hậu ở Anh cho biết thêm: "Theo kinh nghiệm của tôi, có rất nhiều việc mà mọi người có thể thực hiện để cải thiện tình trạng nóng lên toàn cầu".