30-40% lượng khí thải gây ô nhiễm là do hoạt động giao thông, 20% là do đốt rác, rơm rạ. Phần còn lại là do đun nấu thức ăn, các hoạt động công nghiệp. Các nhà khoa học lo ngại nhất là bụi mịn trong không khí...
Tại hội thảo “Quản lý chất lượng không khí tại Đông Nam Á” do Viện Kỹ thuật Châu Á (Asian Institute of Techology - AIT) và Khoa Môi trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức tại TP.HCM trong 3 ngày từ 21 đến 23/11/2007, các nhà khoa học đã đưa ra những cảnh báo về những nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổ trưởng bộ môn Kỹ thuật và Quản lý Môi trường của AIT, bằng việc đặt các trạm quan trắc không khí tại ven các đường giao thông của hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, các nhà khoa học đã phân tích được thành phần của các chất gây ô nhiễm không khí cũng như nguồn gốc phát thải ô nhiễm.
30 đến 40% lượng khí thải gây ô nhiễm là do hoạt động giao thông gây ra (Ảnh: VNN) |
Theo TS Oanh, bụi mịn trong không khí hiện nay là mối nguy cơ đe doạ hàng đầu cho sức khoẻ con người và cần phải có các biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khoẻ chung cho cộng đồng.
Hội thảo “Quản lý chất lượng không khí tại Đông Nam Á” thu hút hơn 70 nhà khoa học đến từ các nước Đông Nam Á và một số nước khác với 27 bản tham luận trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học về chất lượng không khí, những kinh nghiệm trong việc quản lý và xử lý ô nhiễm không khí của các nước.
Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và những người tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ môi trường Đông Nam Á cùng ngồi lại trao đổi và học tập lẫn nhau nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc bảo vệ bầu không khí trong lành cho đất nước mình.
Nguyễn Thủy