Nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đồng ý tài trợ cho dự án cấy ghép đầu người của bác sĩ người Italy, dù một số chuyên gia cho rằng đây là điều điên rồ.
- 5 thắc mắc về ca cấy ghép đầu
- Phẫu thuật cấy ghép đầu người sắp thành hiện thực?
- Bác sĩ Italy: "Cấy ghép đầu giúp con người tiến gần bất tử"
Ca cấy ghép đầu của nhà giải phẫu Sergio Canavero nhận nhiều tài trợ
Nhà giải phẫu học thần kinh người Italy Sergio Canavero hồi đầu năm khẳng định ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 và trong vòng một năm, người được ghép đầu có thể nói và đi lại bình thường.
Sau tuyên bố trên, Canavero đã nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nhà tài trợ, những người sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho dự án này. Nhiều tỉ phú, nhà tài phiệt giàu có trên thế giới cũng đã liên lạc với vị bác sĩ với mong muốn có thể kéo dài sự sống. IB Times hôm 26/8 cho hay, chi phí cho ca phẫu thuật ước tính khoảng 6,4 triệu bảng Anh (gần 10 triệu USD).
Bác sĩ Sergio Canavero tin rằng có thể thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới trong hai năm tới. (Ảnh: cumhuriyet.com.tr)
"Hàng chục người sẵn lòng tài trợ cho ca cấy ghép", bác sĩ Canavero cho biết.
Chàng trai người Nga Valery Spiridonov, 30 tuổi, tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép đầu với phần cơ thể được lấy từ một người hiến tặng đã bị chết não. Anh xác nhận đã có một số khoản tài trợ chính.
"Ông ấy (bác sĩ) nhận được nhiều đề nghị, đa phần liên lạc với ông ấy qua tôi, vì tôi khá nổi tiếng trên mạng. Họ liên lạc với tôi trước, rồi tìm đến ông ấy", Spiridonov cho biết.
Spiridonov mắc chứng teo cơ tủy sống (hay còn gọi là Werdnig-Hoffmann) và căn bệnh ngày càng diễn biến xấu đi theo thời gian, khiến anh sẽ chết trong tương lai không xa. Anh quyết định sẽ thử làm người đầu tiên được ghép đầu để thay đổi số phận, dù nhiều chuyên gia trên thế giới cảnh báo về mức độ rủi ro và nguy hiểm. Chàng trai tin rằng nếu mọi việc tiến triển tốt, anh sẽ thoát khỏi những khiếm khuyết cơ thể mà anh đang phải trải qua.
"Tôi mang một căn bệnh sẽ dẫn đến cái chết, nhưng vai trò của tôi trong dự án này không chỉ là một bệnh nhân. Trước hết, tôi là một nhà khoa học, một kỹ sư, tôi muốn thuyết phục mọi người, các chuyên gia y tế rằng ca phẫu thuật này rất quan trọng và cần thiết", anh nói.
Theo Spiridonov, ca phẫu thuật cấy ghép đầu sẽ chỉ thực hiện khi mọi người tin rằng khả năng thành công của nó là 99%. Nói cách khác, điều quan trọng lúc này là Canavero nhận được sự ủng hộ của cộng đồng y tế và giới chuyên gia trên thế giới.
Valery Spiridonov tình nguyện được cấy ghép đầu để thay đổi số phận. (Ảnh: Telegraph)
Trong ca cấy ghép dự kiến kéo dài hai ngày, não của bệnh nhân được làm lạnh ở mức 10-15 độ C để kéo dài thời gian tồn tại của tế bào trong điều kiện không có oxy. Sau đó, Canavero sẽ dùng dao mổ để cắt qua tủy sống và sử dụng một loại keo sinh học đặc biệt để kết nối phần đầu với cơ thể mới. Các cơ và mạch máu cũng sẽ được nối lại ngay sau đó.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê khoảng 3-4 tuần để tránh mọi cử động và được sử dụng thuốc chống đào thải mô ghép. Canavero cho rằng với cơ thể mới khỏe mạnh hơn, một người 80 tuổi có thể sống thêm được 40 năm.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ trên thế giới cho rằng đây là một điều điên rồ không thể thành công.
Bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Thần kinh của Mỹ, từng bình luận trên CNN rằng: "Tôi ước điều này sẽ không xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẽ không cho phép ai thực hiện ca phẫu thuật này với tôi vì có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết". Theo Batjer, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch...) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên hay tình trạng mất trí chưa từng có trước đây.