Khi bị mù, các cơ quan thính giác thường phát triển tốt hơn. Nhưng điều này không đúng với loài cá hang mù Mexico hoặc cá cận nhiệt đới Mỹ.
Sau nhiều thế hệ sống trong vùng tối, nhiều loài động vật như tôm, cá, giun dẹp…đã mất đi thị giác của mình. Nhưng dường như, có một số loài, ngoài việc mất đi thị giác, thính giác của chúng cũng gặp vấn đề.
“Chúng tôi đã khá ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một số loài cá mù hơi có vấn đề về thính giác. Chúng phải mất một lúc mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra xung quanh” - nhà nghiên cứu Daphne Soares, một nhà thần kinh học cảm giác thuộc đại học Maryland cho hay.
Soares và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu loài Amblyopsidae, một loài cá nước ngọt, sinh sống chủ yếu ở khu vực phía Đông và trung tâm Mỹ. Họ so sánh khả năng nghe của 2 loài cá hang amblyopsid là Typhlichthys subterraneus và Amblyopsis spelaea với loài Forbesichthys agassizii, sống ở khu vực mặt nước, họ hàng gần nhất với chúng.
Loài cá hang đi ngược quy luật tự nhiên: vừa mù, vừa điếc.
Khi kiểm tra khả năng phản ứng với âm thanh của các loài này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng cả 3 loài có thể cùng nghe được âm thanh ở tần số thấp, tuy nhiên chỉ có loài cá sống ở mặt nước là có thể nghe được âm thanh ở tần số cao hơn, từ 800Hz tới 2kHz. Họ cũng phát hiện ra rằng loài cá hang có số lượng tế bào “lông”, chịu trách nhiệm cảm thụ âm thanh trong tai, cần thiết để nghe, ít hơn so với loài sống trên mặt nước.
Nguyên nhân khiến các loài cá này bị “điếc” được các nhà khoa học giải thích là vì tần số âm thanh nơi chúng sống ít khi vượt quá 1kHz nên chúng chỉ thích nghi với những tần số đó mà thôi.
“Để bù lại, 2 loài cá này sử dụng khả năng siêu nhạy cảm của mình với sự xung động của sóng nước để tìm kiếm thức ăn và bạn tình” - Soares cho biết.