Bắc Cực thách thức quy luật tự nhiên

  •  
  • 1.829

Theo tính toán của giới khoa học, Bắc Cực sẽ lạnh dần do những thay đổi trong quỹ đạo trái đất khiến nó ngày càng nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn. Nhưng nhiệt độ ở cực bắc của trái đất đã lên tới mức cao nhất trong vòng 2.000 năm.

Darrell S. Kaufman, một giáo sư địa lý và khoa học môi trường của Đại học Northern Arizona (Mỹ), cho biết, giai đoạn 1999-2008 là khoảng thời gian mà nhiệt độ tại Bắc Cực lên tới mức cao nhất trong 2.000 năm. Kaufman cùng các cộng sự đã sử dụng một phần mềm đặc biệt có khả năng tái hiện mức nhiệt độ trên toàn trái đất qua từng thập kỷ. Sau đó họ đối chiếu kết quả với những mô hình thời tiết phức tạp do máy tính tạo ra tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ. 

Môi trường sống của gấu trắng tại Bắc Cực ngày càng thu hẹp do tình trạng tan băng. (Ảnh: priceofoil.org)

Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực trong các mùa hè là 1,4 độ C – cao hơn dự đoán của giới khoa học.

"Nhiều người cho rằng Bắc Cực rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu và nghiên cứu của chúng tôi chứng minh điều đó", Jonathan T. Overpeck, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu với AP.

Overpeck chỉ ra rằng, khi Bắc Cực ấm hơn, khu vực này có ít tuyết và băng hơn để phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ. Ngoài ra, hiện tượng tan băng còn làm lộ ra nhiều vùng đất và bề mặt đại dương. Chúng hấp thu nhiệt từ mặt trời và làm cho Bắc Cực ấm hơn. Như vậy tốc độ tan của băng sẽ tăng lên.

Xu hướng lạnh dần của Bắc Cực là kết quả của chu kỳ 21.000 năm trong chuyển động của địa cầu. Chu kỳ đó khiến cực bắc ngày càng nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn trong mùa hè trong 8.000 năm qua. Trong vài nghìn năm tới lượng ánh sáng mà Bắc Cực nhận được từ mặt trời vẫn tiếp tục giảm.

"Nếu không có những khí thải mà con người tạo ra, nhiệt độ mùa hè ở Bắc Cực sẽ giảm dần trong thế kỷ trước", Bette Otto-Bliesner, một nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ, bình luận.

Theo Minh Long - Vnexpress
  • 1.829