Ca ghép gan cho bệnh nhi 2 tuổi: Đã thành công!

16 giờ chiều 6/12, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đã tổ chức họp báo về ca ghép gan cho bệnh nhi 2 tuổi... Ca ghép gan đã thành công tốt đẹp! Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất ở VN đã cho biết thêm nhiều chi tiết mới...

Sau hơn 15 giờ đồng hồ, từ 8 giờ đến 23g30 phút ngày 5/12, ca đại phẫu thuật ghép gan cho cháu Lê Ngọc Xuân Quý (23 tháng tuổi) từ mẹ là Võ Thị Ngọc Hạnh (31 tuổi) ngụ tại quận 12, TP.HCM đã hoàn tất.

Bé Xuân Quý nặng 11,7kg bị suy gan giai đoạn cuối do bị teo đường mật bẩm sinh. Trước đó, bác sĩ đã mổ nối quai ruột với cửa gan cho em giúp mật xuống thẳng đường ruột.

Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ cắt bỏ toàn bộ 2 lá gan của bệnh nhi, sau đó cắt một phần góc gan của người mẹ để ghép thay thế.

Ca đại phẫu thuật đã được thực hiện bởi ekíp mổ gồm 5 chuyên gia phẫu thuật và gây mê đang công tác tại Viện -Trường Đại học Saint-luc (Bỉ) và 60 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp của BV Nhi Đồng 2 và một số BV khác trong thành phố như Bình Dân, Nhân Dân Gia Định, Medic.

4 giờ căng thẳng trong phòng mổ...

Các bác sĩ ở BV Nhi Đồng 2 đang tiến hành ca phẫu thuật ghép gan cho bé Xuân Quý

Lúc 8 giờ sáng ngày 5/12, bệnh nhi được chuyển lên phòng mổ.

10g40 phút, GS. Otte (Bỉ), GS. Trần Đông A và các chuyên gia chuyên trách khác đã “hạ” đường dao đầu tiên để bộc lộ gan của người mẹ.

Tại phòng mổ kế bên, lúc 10 giờ, bé Quý được chuyển lên phòng mổ.

12g20, nhóm đảm trách mổ cho bé Quý đứng đầu là GS Reding (Bỉ) cùng ê-kíp của BV Nhi Đồng 2 và nhóm chuyên gia khác cũng bắt đầu đường rạch da, bộc lộ gan của Q.

Đến 15 giờ, công việc bộc lộ gan của cả 2 mẹ con đã hoàn thành. 45 phút sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cắt phân thùy 2 và 3 của gan trái của chị Hạnh (nặng 200g) và lọc rửa.

Ở bên kia, các bác sĩ cũng tiến hành cắt bỏ toàn bộ 2 lá gan đã bị xơ cứng và thâm đen của bé Quý, nặng 850 gr.

Đến 16g30, bắt đầu công đoạn quan trọng nhất là ghép gan cho bệnh nhi, ở phòng mổ bên cạnh.

Lúc này, ê-kíp phẫu thuật cũng tiến hành đóng ổ bụng cho người mẹ. Sau đó chị được chuyển sang phòng hậu mê rồi hậu phẫu. Đến 18 giờ cùng ngày (5/12), chị Hạnh đã tỉnh và được chuyển tới phòng hồi sức.

Tại phòng mổ của bé Quý, lúc 16g30 phút sau khi đưa gan của người mẹ vào cho con, các phẫu thuật viên bắt đầu thận trọng và tỉ mỉ nối từng động, tĩnh mạch, ống dẫn mật từ mảnh gan của người mẹ vào mạch máu và ống dẫn mật gan của cháu bé. Công việc kéo dài tới 23g30 phút mới hoàn tất.

Đến 24 giờ bé đựơc chuyển tới phòng hồi sức.

Đến 9 giờ sáng hôm qua (6/12), các dấu hiệu sinh tồn của ngừơi mẹ hoàn toàn ổn định, đã nói chuyện được với bác sĩ.

Còn bé Quý, phải đến 16 giờ các dấu hiệu sinh tồn mới ổn định, các ống sonde hoạt động tốt, không chảy máu.

Quá trình phẫu thuật diễn ra đúng như dự kiến. Việc cắt gan ở người mẹ không phải dùng máu dự trữ do bệnh viện sử dụng máy truyền máu hoàn hồi (máu được thu hồi từ chính bệnh nhân, lọc qua máy và truyền lại ), còn bé Quý chỉ phải truyền 1 đơn vị máu (250ml máu).

Đánh giá về thành công của cuộc phẫu thuật, BS. Nguyễn Hồng Thu- Giám đốc BV Nhi Đồng 2 cho biết, ghép gan là một kỹ thuật cao và phức tạp, hiện tại các chuyên gia Bỉ và êkip hồi sức BV NĐ 2 phải tiếp tục theo dõi sát những diễn biến tiếp theo

4 năm chuẩn bị cho phẫu thuật ghép gan

Để thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi 2 tuổi, các bác sĩ ở VN Nhi Đồng 2 đã phải chuẩn bị suốt 4 năm trời...

Được biết, để thực hiện ca ghép gan lần đầu tiên ở phía Nam, BV Nhi Đồng 2 đã phải làm công tác chuẩn bị suốt 4 năm qua.

Các bác sĩ chuyên khoa đựơc cử đi học tại Bỉ và Pháp. Tháng 10/2005, các giáo sư, chuyên gia của Bỉ - những người chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho BV Nhi Đồng 2, đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị của BV về các cặp cho và nhận gan….

Về phía VN, Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn chuyên gia vào thẩm định với 7 nội dung : từ trình độ chuyên môn kỹ thuật đến, việc chọn bệnh, nguồn lấy gan đến công tác tổ chức…..

Còn người làm công tác cầu nối giữa các chuyên gia nước ngoài với BV Nhi Đồng 2 là BS. Trần Đông A. BS. Trần Đông A cứ phải liên tục có mặt tại trung tâm ghép tạng của Bỉ để quan sát cũng như thu thập tư liệu về ghép.

Từ đầu năm đến nay, cứ mỗi 2 tuần, GS. Trần Đông A tổ chức chiếu lại những thước phim về những ca ghép gan tại Bỉ mà ông có được cho ê-kíp các bác sĩ của bệnh viện xem, từ khâu lấy gan, lọc rửa gan đến ghép….

Do những đóng góp to lớn của các chuyên gia Bỉ, UBND TP.HCM đã quyết định tặng thưởng huy hiệu TP.HCM cho GS Reding, bằng khen cho GS Otte. Sở Y tế TP.HCM tặng giấy khen cho 3 phẫu thuật viên khác.

Đây là ca ghép gan đầu tiên ở khu vực phía Nam và là ca ghép gan thứ 3 tại VN. Đây cũng là ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước tới nay.

Để chuẩn bị cho ca ghép gan, toàn bộ chi phí phẫu thuật khoảng 3 tỉ đồng, trong đó 2,5 tỉ là tiền trang thiết bị đều được lãnh đạo UBND TP.HCM cấp kinh phí.

NHẬT PHƯƠNG

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video