Cá mập đảo Bahamas

Không thể phủ nhận cá mập là hung thần biển cả luôn sẵn sàng xơi tái bất cứ con mồi nào, kể cả người. Đó là kẻ sát thủ hàng loạt, có cái nhìn vô hồn vô cảm, xuất hiện thình lình như bóng ma, lạnh lùng và khát máu. Con người không có thiện cảm với cá mập. Nhưng thật ra, cá mập không giống với những gì người ta quen nghĩ.

Về chúng...

Ernest Hemingway, văn hào đã sống ẩn dật tại hòn đảo Bahamas vào giữa thập niên 1930 với máy đánh chữ và cái cần câu, tại đây ông đã cảm hứng viết về cá, về trời và hình ảnh cánh buồm lướt đi trong gió. Cá mập đã từng tấn công và ông đã giết chúng rất nhiều, ông bắn và đốt thân thể chúng trên bãi biển. Tuy rất ghét loài cá hung bạo này, nhưng đôi khi ông cũng viết về chúng với sự tôn trọng như trong tác phẩm Ông già và biển cả có đoạn "... Mọi thứ về chúng đều đẹp, trừ miệng của chúng... Chúng không phải là kẻ chuyên ăn xác thối, cũng không phải là kẻ tham ăn... Chúng đẹp, không sợ bất cứ gì...".

Vùng biển cá mập

Loài cá mập trắng đi liền với tiếng tăm lẫy lừng từng săn mồi ở những con tàu vừa bị đắm hoặc máy bay rơi xuống biển.

Hemingway là người am hiểu nhiều nhất về Bahamas. Nước biển ở đây bao la, rất xanh và sạch. Bahamas có rất nhiều đảo, chừng 700 đảo lớn, nhỏ rải rác trong 500 dặm về phía đông nam Florida, nơi này được duy trì để tự do phát triển công nghiệp. Cư dân địa phương ở đây vẫn kiếm sống bằng những con tôm hùm, cá hanh (cá chỉ vàng) và ốc xà cừ.

Ở vùng biển này cá mập là loài phổ biến nhất. Đây là nhóm cá có bộ xương sụn, thân hình thuỷ động học dễ dàng rẽ nước, có từ 5 đến 7 khe mang dọc mỗi bên hoặc gần đầu (khe đầu tiên sau mắt gọi là lỗ thở), da có nhiều gai nhỏ bao bọc thân thể chống lại ký sinh, răng có thể mọc lại được.

Theo Animals Planet Channel, cá mập chỉ có sụn chứ không có xương, nó chỉ bơi thẳng chứ không thể bơi thụt lùi. Nhìn xa, bạn có thể cho rằng cá mập không có vảy, thực ra bộ da của chúng được phủ rất nhiều vảy nhỏ, khi sờ vào cảm thấy nhám. Cá mập miễn dịch với mọi bệnh tật. Cá mập có thể phát hiện ra một giọt máu trong bể bơi rộng. Nó sống trung bình khoảng 25 năm, tuy nhiên có một số loài, ví dụ như cá mập voi có thể sống tới 100 năm. Trên thế giới có hơn 300 loài cá mập, nhưng chỉ 30 loài là nguy hiểm với con người. Theo thống kê, một năm cá mập tấn công khoảng dưới 100 người, trong khi đó số người chết vì ong đốt và sét đánh còn nhiều hơn nhiều.

Cá mập phải luôn di chuyển để nước lùa vào các mang, đảm bảo sự hô hấp của chúng, bởi vậy cá mập thường chết không lâu sau khi sa vào lưới đánh cá do thiếu oxy.

Trong suốt cuộc đời, cá mập có thể thay răng nhiều lần: chúng có nhiều lớp răng xếp bên trong bộ hàm khoẻ, và ngay khi một chiếc răng bị rụng đi khi cắn phải vật cứng thì sẽ có chiếc khác thay thế. Bởi vậy, bạn có thể nhặt được những chiếc răng sắc nhọn trôi trên bãi biển ở vùng có nhiều cá mập như Bahamas, và số lượng răng cá mập hoá thạch được phát hiện cũng không phải ít. Nhờ hàm răng ấy, nhiều con cá mập đã nuốt gọn cả vỏ đồ hộp, nhím biển và rùa biển khi đói, và đôi khi chúng cắn đứt cả dây cáp dưới đáy biển.

Sát thủ đại dương


Cá đầu búa thật sự là một loài cá mập tiến hoá bậc nhất, tầm nhìn xa, khứu giác thính.


Phớt lờ những con mồi “tí hon”, cá mập hổ săn mồi to hơn ở những vùng nước cạn.

Nhiều người cho rằng cá mập khoái xơi thịt người, và bộ phim Hàm cá mập đã nâng nỗi sợ này thành một cơn sốt thật sự. Nhưng các bạn đừng sợ quá, cũng đừng cho là thịt của mình ngon đến thế, cá mập chỉ chú ý cắn người khi chúng quá đói mà thôi. Tuy vậy, dù sao, cá mập cũng là những tay sát thủ đáng gờm. Nếu không muốn diễn xuất vai nạn nhân của "hàm cá mập" thì hãy tránh bơi vào lúc chập tối hay rạng sáng ở những vùng biển sâu hay cửa sông.

Có khoảng 40 loại cá mập sống ở đây với những tên gọi rất "kiêu" như "hổ", "đầu búa", "bò đực",... Thỉnh thoảng những con cá mập voi lớn và cá voi xanh cũng "di cư" qua đây.

Tên Bahamas xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha "Baja Mar" có nghĩa là "biển cạn". Biển có nhiều đảo, các dãy đá ngầm, san hô, rừng đước... Vùng biển Đại Tây Dương này sạch sẽ và có một dòng nước ấm từ vịnh chảy qua tạo nên một bữa tiệc hải sản kéo theo nhiều loài cá mập xa gần đến đây. Bây giờ, nơi xanh sạch này là vườn địa đàng của chúng.

Môn lặn là ngành công nghiệp mang lại hàng tỉ đô la cho Bahamas và cá mập là nguồn thu hút chính hấp dẫn du khách.

Trong một hồ an toàn và vây bọc xung quanh bằng đước, các con cá mập bơn sơ sinh cuộn trong chỗ cạn. "Chỗ này đặc biệt", Samuel "Doc" Gruber, một nhà nghiên cứu sinh vật học đã nói như thế trong một trạm nghiên cứu cá mập được đặt ở Bimini. Hồ bé tí này nằm trong đảo Bahamian được gọi là Bimini, là nơi nuôi cá mập thiên nhiên, khu vực này là nơi sinh sản của loài cá mập bơn, chúng được nuôi nấng tử tế mà không bị làm thịt. Nhiều năm trước Gruber đã mang đến đây một cặp cá mập có gắn thiết bị theo dõi để tiện việc nghiên cứu.

Gruber đã nghiên cứu cá mập bơn ở Bimini trong khoảng 25 năm, tích luỹ nhiều cơ sở dữ liệu chi tiết về "dân số" cá mập và anh cho rằng loài cá này có "dân số" đông nhất đại dương và đề nghị Bahamas nên giữ gìn và bảo vệ cá mập cũng như hệ sinh thái nơi này.

Gần đây nhất vào năm 2002, những dự án, kế hoạch đã được đề ra để tập trung bảo tồn năm khu vực gần bờ biển nhằm duy trì lâu dài nền kinh tế và nhân tố quyết định nền sinh thái của Bahamas, với Bimini (là nơi có khu resort khổng lồ) được đánh giá là có ưu thế nhất. Nhưng một sự thay đổi trong chính sách chính phủ đã làm trì hoãn dự án do bộ máy chính phủ bị kết tội tham nhũng.

Bahamas là một đất nước còn "son trẻ", giành được độc lập từ Anh vào năm 1973. Tuy nhiên, môn lặn là ngành công nghiệp mang lại hàng tỉ đôla cho nước này và các loài cá mập là nguồn thu hút chính hấp dẫn du khách. Ngành du lịch chiếm gần phân nửa tổng sản phẩm quốc nội của Bahamas và cá mập là một loại hình vô giá mà tạo hoá đã ban cho nước này, bất chấp mối đe doạ cho con người, cá mập đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển.

Cá mập sẽ tuyệt chủng?

Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế và bảo tồn thiên nhiên WWF, hàng triệu con cá mập đã bị giết mỗi năm do khai thác quá mức và buôn bán. Rất nhiều con chết ngẫu nhiên do mắc lưới cá ngừ và cá kiếm, số khác bị đánh bắt lấy thịt hoặc chỉ để lấy vây.


Samuel “Doc” Gruber nghiên cứu cá mập bơn.


Số lượng cá mập ở Bahamas nhiều vô kể, chưa tính đến những đàn cá di cư từ các nơi khác đến.

Vây cá mập là một thực phẩm bổ dưỡng trong việc chế biến món xúp "shark-fin" và rất đắt tiền. Tại Singapore, xúp vi cá mập được bán với giá hơn 100 đôla/suất vì được cho rằng vây cá mập trị được bệnh ung thư. Tuy khoa học chưa xác nhận, nhưng mọi người đều công nhận rằng món xúp vi cá mập vẫn là thực phẩm tuyệt vời. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể bị sốc khi được biết bằng cách nào người ta lấy vây cá để chế biến món xúp mà họ ăn. Những con cá mập bị bắt lên, cắt vây và vứt phần xác còn lại ra biển. Hoạt động đánh bắt huỷ diệt và hoang phí này đang đẩy một số loài đến bờ tuyệt chủng.

Loài cá mập trắng cũng có khả năng bị khai thác, thậm chí nhiều loài khác nhau, đa dạng như cá bơn lêmon, cá voi đực, cá mập vùng Caribê cũng đang bị đe doạ do việc săn bắt cá và môi trường sống dần bị mất đi. Các nhà khoa học cảnh báo rằng hành động săn bắt cá này nếu vẫn còn tiếp diễn thì trong vòng một thập kỷ nữa cá mập sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Và với nguy cơ hiện nay, cá mập phải cầu cứu đến mọi sự giúp đỡ để có thể sống sót qua nửa đầu thế kỷ 21.

(Ảnh: SGTT)
"Hãy nghĩ đến điều đó trong lần tới khi bạn nhìn thấy món xúp vây cá trong thực đơn. Có lẽ bạn chỉ muốn gọi món nước dùng thôi", tiến sĩ Simon Cripps, giám đốc chương trình biển toàn cầu tại Thuỵ Sĩ nói.

Ở Bahamas việc đánh bắt cá mập được cho là một hành động bất hợp pháp kể từ năm 1993 đồng thời những bộ phận khác của loài cá này lại không được phép xuất khẩu đi các nước khác. Nhiều khách du lịch đến vùng biển này chỉ săn bắt cá với mục đích giải trí chứ không có nhu cầu dùng thịt cá như một món ăn.

Ngày nay khi nhu cầu mở rộng và phát triển khu du lịch ở những vùng ven biển tăng cao thì môi trường sống của loài cá mập ngày càng bị thu hẹp dần. Vào năm 2004, hơn 60 quốc gia đã nhất trí cấm giết cá mập lấy vây ở Đại Tây Dương. Các nhà bảo tồn hy vọng quyết định trên sẽ góp phần bảo vệ loài động vật đang bị đe doạ này.

Người ta có thương hay ghét thì cá mập vẫn là loài động vật ăn thịt bậc cao đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển. Số lượng cá mập giảm đi là do sự quản lý yếu kém và lòng tham của con người đã làm xáo trộn đại dương, tiến sĩ Simon Cripps nhận định trong một báo cáo mới nhất của tổ chức WWF nhân Ngày đại dương thế giới 8.6.2007.

Loài cá khổng lồ này luôn luôn xuất hiện trong tiềm thức của mỗi chúng ta với hình ảnh "vĩ đại" và chiếm phần quan trọng trong việc sống còn của tạo hoá ban cho nơi này. Nếu cá mập không còn hiện diện tại vùng biển này nữa sẽ không còn hình ảnh khách du lịch đến hòn đảo này tạo cảm hứng để bơi lặn, đánh bắt, sáng tác và mơ...

Mỹ Trang

Theo National Geographic, Sài Gòn tiếp thị
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video