Loài cá mũi mác thường săn mồi ở đáy biển dạt vào bờ thu hút sự chú ý của công chúng. Các nhà khoa học hiện chưa rõ nguyên nhân loài cá này thường xuyên mắc cạn.
Cá mũi mác là loài cá có những chiếc răng dài, nhọn hoắt như răng nanh, chúng dành phần lớn thời gian săn mồi ở đáy biển. Tuy nhiên trong hàng trăm năm qua, đôi lúc loài cá này lại dạt vào bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Một con cá mũi mác dạt vào bờ biển Oregon. (Ảnh: NOAA).
Lần gần nhất cá mũi mác xuất hiện là trên bờ biển Oregon hôm 1/5, giới chức tiểu bang cho biết. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa rõ vì sao loài cá vốn sống ở đáy đại dương lại trôi dạt lên bờ, theo New York Times.
Không nhiều người quan tâm tới cá mũi mác bởi loài này không có nhiều giá trị thương mại. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết có khả năng cá mũi mác di cư tới các vùng biển gần Bắc Cực, như biển Bering, để săn mồi.
Tiến sĩ Elan Portner, chuyên gia Viện Hải dương học Scripps, cho hay cá mũi mác đã trôi dạt lên bờ biển phía Tây trong ít nhất 300 năm, có thể lâu hơn.
Benjamin Frable, chuyên gia Viện Hải dương học Scripps, đưa ra một số ý tưởng về lý do cá mũi mác dạt vào bờ. Một trong các khả năng là chúng đuổi theo con mồi ở vùng nước nông và sau đó mắc cạn. Cá mũi mác không quá khỏe, cấu tạo cơ thể khiến chúng khó di chuyển khỏi bờ biển.
Cá mũi mác trưởng thành có thể dài khoảng 2m, chúng là một trong những loài săn mồi lớn nhất tại khu vực gần đáy đại dương.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu đáy biển là công việc rất khó và tốn nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể tìm được thêm manh mối về hệ sinh thái dưới đáy biển nhờ nghiên cứu dạ dày của cá mũi mác bởi loài này có khả năng nuốt trọn con mồi.
"Dạ dày của chúng cơ bản giống như tủ lạnh thu nhỏ, giữ các con mồi ở tình trạng rất tốt cho tới khi chúng ta có thể đưa chúng tới phòng thí nghiệm", tiến sĩ Portner nói.
Chuyên gia người Mỹ cho biết giới khoa học có thể hình dung chi tiết nhiều loài sinh vật nhờ các mẫu vật tìm thấy trong dạ dày cá mũi mác. Đây là những loài sống ở sâu dưới đại dương và chưa từng được quan sát thấy.
Các nhà nghiên cứu cũng thường tìm thấy những con cá mũi mác nhỏ hơn bên trong dạ dày của những con cá lớn dạt vào bờ biển. Các nhà khoa học cho rằng bởi số lượng cá thể đông, nhiều khả năng cá mũi mác ăn thịt đồng loại.
Tuy nhiên, tiến sĩ Portner cho hay giới khoa học hiện chưa biết nhiều về cơ chế sinh sản của cá mũi mác.
Giới chức Mỹ và các nhà khoa học đề nghị người dân thông báo hoặc đăng tải trên mạng xã hội khi phát hiện cá mũi mác mắc cạn. Tiến sĩ Portner cho biết việc có thể quan sát nhiều mẫu vật hơn sẽ giúp làm sáng tỏ lý do loài cá này dạt vào bờ.