Thừa nhận thông tin cảnh báo về trận động đất ngày 25/8 tại Phú Yên là có sai sót, lãnh đạo Trung tâm báo tin động đất sóng thần Viện Vật lý địa cầu cho rằng một phần là do phần mềm định vị sai và cũng có cả yếu tố tác động của con người.
>>> Động đất cách bờ biển Phú Yên 300 km
>>> Còn động đất đến 6,8 độ Richter ngoài khơi VN
Dù không quy chụp trách nhiệm gì song nhiều nhà khoa học trong ngành cho rằng, những sai sót này phải thẳng thắn nhìn nhận bởi còn nhiều vấn đề lớn hơn, hệ trọng hơn từ những liên quan nhỏ này.
Sai một ly, dễ đi một dặm…!?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất sóng thần, Viện Vật lý địa cầu thẳng thắn nhìn nhận, việc đưa ra bản tin cảnh báo sai là do sự không chính xác của máy móc thiết bị.
Hoạt động tại Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu). (Ảnh: Như Ý)
Theo PGS Phương, với một cá nhân, cán bộ trực ca (lúc 1giờ đêm) đã tuân thủ tất cả các quy chế cảnh báo. Họ có thể có những sai sót về mặt tham số, vị trí, nhưng ngay sau đó đã có đính chính. “Một quy trình không phải ngay lập tức tất cả các thiết bị đều phát hiện một cách chính xác và thông báo nó phải liên tục phát ra cho tới khi hiểm họa qua đi”, PGS Phương nói.
Ông Phương minh chứng thêm trong cảnh báo sóng thần, người ta phải liên tục phát đi các thông báo, nếu thấy sóng thần vẫn còn tiếp tục gây hiểm họa thì vẫn phải tiếp tục xử lý tất cả các số liệu, định vị lại tất cả các chấn tiêu của động đất để xác định khả năng diễn biến của sóng thần lớn lên hay nhỏ đi cho tới khi phát lệnh cuối cùng là báo an khi đó mới chấm dứt quy trình báo tin.
“Trong trường hợp này, người trực đã kiểm tra lại thông tin trên các mạng quốc tế phát hiện thấy sai do phần mềm định vị nên đã điều chỉnh và có thông báo kịp thời. “Đôi khi cũng là do công suất làm việc của máy móc quá tải vì thế không nên quy chụp. Nói đưa bản tin sai làm mất niềm tin là nâng quan điểm”, PGS Phương bày tỏ.
Việc đưa ra bản tin không chính xác, PGS Phương cho biết, bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng có thể xảy ra tình trạng này, đơn cử như trận động đất tại Sendai (Nhật Bản) hồi tháng 3/2011, ban đầu Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ báo độ lớn trận động đất là 7,9 độ Richter nhưng sau đó hiệu chỉnh lại là 8,8 và 8,9 độ Richter.
Cần đảm bảo thông tin chuẩn xác
Tại Hội nghị khoa học về Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ IX, vừa được tổ chức tại Ninh Thuận đã có nhiều ý kiến của các nhà địa chất cho rằng, cần làm sáng tỏ hơn về địa chất tại địa điểm sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Vì vậy, sự việc sai sót vừa nêu trên dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng song, theo một số nhà chuyên môn đây là câu chuyện cần thẳng thắn rút kinh nghiệm.
Một nhà khoa học xin được giấu tên từ chối đưa ra ý kiến về sự việc, song nhìn ở góc độ chuyên môn, ông cho rằng trong trường hợp này phải kiểm tra tất cả các sóng địa chất đến từ các trạm như thế nào rồi mới phân tích.
Bản đồ chấn tâm trận động đất sáng này 25/8 (Nguồn: Viện vật lý địa cầu)
Ở đây, thông tin khai đầu vào rất quan trọng nên phải là những người hiểu vấn đề, yếu tố con người rất quan trọng, nếu đưa đầu vào sai sẽ sai toàn bộ. Nhà khoa học này cũng cảnh báo, đây chỉ là ví dụ nhỏ cho các tính toán liên quan đến các đới đứt gãy, các vấn đề liên quan đến địa chất…
Không đưa ra bất kỳ một quan điểm cá nhân hay một lời bình luận nào về sự việc, song PGS.TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam thực sự lo lắng. Ông cho rằng những người làm công tác chuyên môn cần phải xem xét mọi việc để đảm bảo thông tin một cách chuẩn xác nhất. Với việc đưa ra một bản tin cảnh báo động đất đều dựa vào chương trình tính tự động nhưng do người trực đưa thông số vào tính toán không chuẩn nên đã cho kết quả không chính xác.