Cá siêu đen hiếm gặp bơi ở độ sâu gần 800m

Các nhà khoa học ghi hình một con cá cần câu siêu đen với khả năng hấp thụ ít nhất 99,5% ánh sáng ở vùng biển sâu ngoài khơi California.


Cá cần câu siêu đen bơi dưới vùng biển sâu ngoài khơi California, Mỹ. (Video: MBARI)

Nhóm nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) phát hiện một con cá chưa xác định được loài thuộc chi Oneirodes, bộ Lophiiformes (Cá vây chân hay Cá cần câu), Live Science hôm 15/11 đưa tin. Họ ghi hình con vật ở độ sâu 781 m dưới mặt nước bằng phương tiện vận hành từ xa (ROV) ở Hẻm Monterey, hẻm núi ngầm đồ sộ trải dài hơn 470 km ngoài khơi bờ biển California, Mỹ.

Nhóm nghiên cứu tình cờ bắt gặp con cá lớn bằng quả bóng này trong lúc thu thập những sinh vật nhỏ, có gai, gọi là phaeodarian - chúng trôi nổi trong các cột nước và ăn những mảnh vụn hữu cơ rơi xuống (tuyết biển). Theo một tuyên bố của MBARI, đây là con cá Oneirodes đầu tiên được quan sát ở Hẻm Monterey kể từ năm 2016.

Trong video, tuyết biển lơ lửng xung quanh con vật, nhưng người xem gần như không thể thấy được các chi tiết của nó ngoại trừ đường viền cơ thể. Lý do là lớp da cá tối đến mức hấp thụ lượng lớn ánh sáng và đóng vai trò như một chiếc áo khoác tàng hình, theo Bruce Robinson, nhà khoa học cấp cao tại MBARI.


Da của loài cá này chứa rất nhiều melanosome - những tế bào chứa sắc tố melanin.

Loài cá này thuộc nhóm sinh vật biển sâu "siêu đen", hấp thụ ít nhất 99,5% ánh sáng chiếu tới. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Current Biology năm 2020, có 15 loài sinh vật biển khác có khả năng hấp thụ lượng ánh sáng lớn như vậy. Nghiên cứu hé lộ, da của chúng chứa rất nhiều melanosome - những tế bào chứa sắc tố melanin, cũng là sắc tố mang lại màu sắc cho da người. Hình dạng và cấu tạo của các tế bào này cho phép chúng hấp thụ hầu hết bước sóng ánh sáng chiếu vào da.

"Làn da siêu đen khiến mọi ánh sáng chiếu tới, kể cả ánh sáng rực rỡ từ bộ phận nhử giống như đèn đường của cá, đều bị hấp thụ hoàn toàn. Không có gì phản chiếu khiến vị trí bị lộ", đồng tác giả nghiên cứu Karen Osborn, nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian và MBARI, giải thích. Điều này cho phép cá Oneirodes ẩn mình trong lúc nằm chờ và sử dụng bộ phận nhử phát quang giống chiếc cần câu để dụ con mồi.

Khả năng ngụy trang kỳ lạ cũng giúp chúng trốn khỏi kẻ thù. Khi nhóm MBARI phát hiện cá Oneirodes, nó đang sử dụng mồi nhử. Nhưng con vật nhanh chóng "tắt đèn" khi nhận ra mình bị theo dõi. Nhóm nhà khoa học xác định đây là con cái dựa vào kích thước. Cá Oneirodes cái có thể dài tới 37cm, trong khi con đực chỉ dài khoảng 1,3cm.

Cập nhật: 17/11/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video