Sau ba năm lên kế hoạch, năm chuyến thám hiểm và hai tuần đi bộ xuyên rừng, các nhà khoa học đã đến được vị trí cây cao nhất, khoảng 25 tầng lầu, từng được phát hiện trong rừng nhiệt đới Amazon.
Cây khổng lồ, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Iratapuru ở miền bắc Brazil, cao đến 88,5m và là cây Angelim Vermelho (có tên khoa học là Dinizia excelsa). Cây có chu vi 9,9m và là cái cây lớn nhất từng được phát hiện tại rừng Amazon, theo Hãng tin AFP ngày 8-10.
Cây Angelim Vermelho này là cây cao nhất từng được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Amazon - (Ảnh: AFP)
Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện cây khổng lồ là qua hình ảnh vệ tinh vào năm 2019, khi đang thực hiện một dự án lập bản đồ ba chiều (3D).
Cuối năm 2019, một nhóm gồm các học giả, nhà môi trường và hướng dẫn viên địa phương đã tổ chức một chuyến thám hiểm để cố gắng tiếp cận cây Angelim Vermelho. Tuy nhiên, sau 10 ngày vượt địa hình hiểm trở, kiệt sức, thiếu vật tư và một thành viên nhóm bị bệnh, họ đã quay về.
Ba cuộc thám hiểm khác sau đó đến khu vực Thung lũng Jari của khu bảo tồn đã giúp phát hiện ra nhiều cây khổng lồ khác, trong đó có cây cho hạt cao nhất từng được ghi nhận ở Brazil với chiều cao 66m.
Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm này vẫn không thể tiếp cận cây khổng lồ Angelim Vermelho. Cuối cùng, trong lần thám hiểm thứ năm, từ ngày 12-9 đến 25-9 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã đến được nơi có cây Angelim Vermelho.
Họ đã đi 250km bằng thuyền trên những con sông gập ghềnh hiểm trở, đi bộ thêm 20km qua địa hình rừng núi để đến cây Angelim Vermelho. Một người trong đoàn thám hiểm 19 người đã bị nhện độc cắn.
Kỹ sư về rừng Diego Armando Silva của ĐH Liên bang Amapa, người tổ chức chuyến thám hiểm, cho biết dù nguy hiểm nhưng chuyến đi rất xứng đáng. "Nó là một trong những thứ tuyệt đẹp nhất mà tôi từng thấy", anh Silva, 33 tuổi, cho biết.
Nhóm thám hiểm đã thu thập lá, đất và các mẫu vật khác để phân tích về tuổi của cây, cũng như giải đáp các thắc mắc khác về việc vì sao khu vực này có nhiều cây khổng lồ, và chúng lưu trữ bao nhiêu carbon - điều cơ bản trong việc giúp hạn chế biến đổi khí hậu.
Bất chấp việc nằm trong những khu vực khó tiếp cận, những cây khổng lồ trong khu bảo tồn đang bị đe dọa. Những người khai thác gỗ đánh giá cao gỗ Angelim Vermelho và hệ sinh thái Khu bảo tồn Iratapuru đang bị những người khai thác vàng bất hợp pháp tàn phá.
Trong ba năm qua, tình trạng tàn phá rừng bình quân hằng năm tại khu vực rừng Amazon của Brazil đã tăng 75% so với thập kỷ trước.