Đôi khi trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học vô tình tìm ra một điều kỳ diệu chẳng liên quan đến thứ mình đang hướng đến. Cụ thể ở đây là căn bệnh hói đầu.
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã xác định được đâu là loại tế bào tạo ra tóc và biến tóc thành màu bạc. Đáng nói ở chỗ, đây là một phát hiện rất tình cờ, xảy ra trong quá trình nghiên cứu sự hình thành của ung thư.
Đây được xem là một bước đột phá, vì nó đem lại hy vọng cực kỳ lớn giúp điều trị hói đầu và bạc tóc ở người - đều là những dấu hiệu không ai muốn có từ quá trình lão hóa.
Protein KROX20 ác động đến các tế bào da chuẩn bị thành lông tóc.
Theo phó giáo sư da liễu Lu Le tại Trung tâm Y tế Tây Nam ĐH Texas: "Dù dự án này ban đầu là tìm hiểu cách hình thành của một số loại ung thư, nhưng cuối cùng chúng tôi lại tìm ra vì sao tóc lại bạc, và xác định được loại tế bào giúp mọc tóc".
"Nhờ vậy, trong tương lai chúng tôi tin rằng sẽ tạo ra một loại thuốc bôi, hoặc tìm ra cách cấy các gene cần thiết vào nang tóc để giải quyết vấn đề chẳng ai mong muốn này".
Cụ thể, các chuyên gia tìm thấy loại protein mang tên KROX20. Protein này vốn liên quan đến sự phát triển của tế bào thần kinh, nhưng hóa ra nó tác động đến các tế bào da chuẩn bị thành lông tóc.
Ngoài ra, các tế bào này sẽ sản sinh tiếp một loại protein được gọi là "nhân tố tế bào gốc" (SCF), có vai trò tạo ra sắc tố cho tóc.
Nếu thành công, đây sẽ là một bước ngoặt giúp con người trả lời được câu hỏi vì sao chúng ta lại lão hóa.
Qua các thử nghiệm trên chuột, khi thử "xóa bỏ" gene SCF, lông chuột chuyển thành màu trắng. Còn khi xóa thử tế bào tạo ra KROX20, chuột bỗng bị trụi lông hoàn toàn - hay còn gọi là... hói.
Các chuyên gia cho biết, những nghiên cứu trong tương lai cần phải xác nhận xem, có phải KROX20 và gene SCF sẽ ngưng hoạt động theo thời gian, vì người càng cao tuổi, tóc càng trở nên bạc và mỏng hơn. Nếu thành công, đây sẽ là một bước ngoặt giúp con người trả lời được câu hỏi vì sao chúng ta lại lão hóa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Genes & Development.