Cách mà loài dơi "cáo bay" ở Úc lây virus cho con người

Sau khi nghiên cứu về dơi, nhóm các nhà khoa học còn tìm ra cơ chế lây lan virus Hendra của dơi cáo bay, một loại virus hiếm gặp nhưng nguy hiểm.

“Này, mấy đứa có thể dang cánh ra để chị nghiên cứu một chút được không?”, Peggy Eby thủ thỉ với bầy dơi ở Công viên Centennial, Sydney. Trò chuyện với động vật dường như đã trở thành một phần công việc của cô.


Có thể những con dơi bị thiếu hụt dinh dưỡng có khả năng phát tán virus gây bệnh nhiều hơn.

Peggy Eby là nhà sinh thái học Đại học New South Wales ở Sydney, Úc. Cô chuyên nghiên cứu đời sống động vật hoang dã. Hôm nay, Eby đang tìm kiếm những con dơi cái và đàn con mới sinh, nhưng thời tiết âm u làm những con non phải rúc vào đôi cánh mẹ.

Cô đã nghiên cứu loài dơi được mệnh danh là “cáo bay” này trong khoảng 25 năm. Với ống nhòm, Eby có thể kiểm tra xem những con dơi mẹ nào đang chuẩn bị cho con “cai sữa”. Từ đó cô đi tìm mối liên hệ giữa dinh dưỡng và khả năng gây bệnh của dơi. Bởi có thể những con dơi bị thiếu hụt dinh dưỡng có khả năng phát tán virus gây bệnh nhiều hơn.

Dơi cáo bay ở Úc (họ hàng với dơi quạ) được “ưu ái quan tâm” vì cơ thể chúng chứa loại virus tên là Hendra, một loại thực thể hiếm gặp nhưng có khả năng gây chết người lên đến 50%, tức là cứ hai người nhiễm thì một người tử vong. Giống như SARS-CoV và SARS-CoV-2, Hendra cũng là loại virus lây từ dơi sang người, nhưng không lây trực tiếp mà thông qua một loài trung gian. 

Sau khi điều tra chuyên sâu, giờ đây Eby và đồng nghiệp có thể dự đoán khi nào Hendra sẽ tăng “phạm vi hoạt động” trên thế giới. Emily Gurley, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Họ đã xác định được các tác nhân môi trường tác động đến sự phát tán, họ cũng biết phương pháp ngăn chặn sự kiện đó xảy ra”.


Virus Hendra ở dơi cáo bay không lây trực tiếp cho con người mà thông qua một loài trung gian.

Thiếu thức ăn

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tình trạng lây nhiễm virus Hendra diễn ra nhanh hơn khi dơi thiếu hụt thức ăn. Và tình trạng khan hiếm lương thực thường xảy ra sau hiện tượng El Nino diễn ra ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, điều này cũng liên quan đến tình trạng hạn hán dọc miền đông Australia. Dơi cáo sẽ tìm nguồn thức ăn trên một số loại thực vật nhất định vào mùa đông. Nếu những loài cây này có thể ra hoa, sinh sôi nảy nở ngay sau những đợt thiếu hụt thức ăn, tình trạng virus lan truyền sẽ không xảy ra.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Raina Plowright, nhà sinh thái học nghiên cứu tại Đại học Cornell, New York, nhận xét: “Thật không may, vấn đề là môi trường sống vào mùa đông đã không còn nữa”.

Sarah Cleaveland, bác sĩ thú y và nhà sinh thái học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới phát hiện mới. Nghiên cứu có cách tiếp cận phổ quát, không chỉ xem xét tác động của khí hậu, môi trường, nguồn thức ăn, dinh dưỡng mà còn cả hệ sinh thái mà dơi tạo ra. Kết quả của nghiên cứu có thể giúp Cleaveland hiểu sâu về các mầm bệnh khác, gồm cả Nipah, Ebola và những loại virus “họ hàng”. 


Các nghiên cứu tổng quát giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu về cả những mầm bệnh khác.

Sự dịch chuyển đô thị

Hendra được phát hiện lần đầu vào năm 1994 tại một cơ sở huấn luyện ngựa ở Úc. Khi đó, người ta phát hiện một số con ngựa cùng những người huấn luyện qua đời vì bệnh phổi, đi kèm dấu hiệu xuất huyết. Các nghiên cứu xác định virus lây lan từ loài dơi cáo bay (Pteropus alecto). Chúng thải phân, nước tiểu và thức ăn dính nước bọt trên các bãi cỏ. Ngựa ăn cỏ và nhiễm bệnh, rồi truyền sang người. Bệnh thường diễn ra vào mùa đông và trên quy mô không lớn, một số đàn ngựa bị nhiễm bệnh, sau đó vài năm virus xuất hiện ở một đàn khác. Nhưng các ca bệnh có dấu hiệu tăng dần đều từ những năm 2000.

Để nghiên cứu cơ chế lây nhiễm, Eby cùng nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về địa điểm, thời gian sự kiện xảy ra, vị trí và sức khỏe của dơi, khí hậu, tình trạng thiếu mật hoa và mất môi trường sống. Phạm vi nghiên cứu trải dài khoảng 300.000 km2 ở đông nam nước Úc từ 1996 đến 2020. Sau đó, họ dùng mô hình để xác định yếu tố nào có liên quan đến hiệu ứng phát tán.

Kết quả nghiên cứu hé lộ chi tiết về cách loài dơi thay đổi hành vi và tập tính sống. Những con dơi cáo bay đã chuyển từ lối sống du mục (di chuyển theo các bầy lớn từ khu rừng nguyên sinh này sang khu rừng nguyên sinh khác để tìm mật hoa) sang định cư theo các nhóm nhỏ tại khu vực thành thị, nông nghiệp. Nói cách khác là di chuyển đến nơi có ngựa và người dân sinh sống. Kể từ 2000 đến 2020, số lượng tổ dơi tại khu vực có người sinh sống tăng gấp ba.

Một nghiên cứu khác cho thấy các ổ dơi này phát tán virus Hendra vào mỗi mùa đông, nhưng nếu những năm sau thiếu thức ăn, dơi sẽ thải ra nhiều virus hơn. Thường thì mùa đông là thời điểm virus bị phát tán nghiêm trọng và dữ dội nhất.

Hành trình đi tìm mật ngọt

Các mô hình nghiên cứu cho thấy khi thức ăn khan hiếm, các quần thể dơi sẽ chia thành các nhóm nhỏ, di cư đến khu nông nghiệp gần chuồng ngựa để tìm thức ăn. Để tiết kiệm năng lượng, những con dơi bay theo những chặng đường ngắn.

Mặc dù có thể dự đoán khoảng hai năm, nhưng nhóm nghiên cứu đã bất ngờ với sự kiện năm 2020. Cụ thể, El Nino xảy vào năm 2018, sau đó là một năm 2019 đầy hạn hán. Theo lý, 2020 là năm mà virus được dịp “tung hoành”. Nhưng người ta chỉ phát hiện duy nhất một đợt lây nhiễm vào tháng 5. Khi đã xem xét và tính toán mọi giả thuyết có thể, họ phát hiện các rừng nguyên sinh sẽ có các đợt ra hoa lớn vào mùa đông sau mỗi một đợt khan hiếm lương thực. Đây là nguyên nhân ngăn chặn lây lan diện rộng. Năm 2020, hoa nở rộ ở rừng Bạch Đàn gần thị trấn Gympie, Úc, thu hút 240.000 con dơi. Sự kiện ra hoa tương tự cũng xảy ra vào năm 2021 và 2022.


Những đợt di cư lớn của dơi đến các rừng nguyên sinh giúp giảm khả năng lây virus ở người.

Nhóm nghiên cứu ủng hộ việc khôi phục môi trường sống của dơi và các loài thực vật ra hoa vào mùa đông, bởi các cuộc di cư hàng loạt của dơi đến rừng nguyên sinh sẽ ngăn virus không phát tán ở ngựa và con người. Và bằng cách khôi phục môi trường sống của cả những loài động khác chứa mầm bệnh khác, có lẽ ta có thể ngăn được trận đại dịch tiếp theo.

Cập nhật: 21/11/2022 PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video