Những động vật đem lại sức khỏe cho con người

  •   52
  • 2.570

Không phải sinh vật nào trên trái đất chúng ta cũng có thể yêu được ngay tắp lự, nhất là những con vật vừa mới nhìn thấy đã “sởn gai ốc”. Ví dụ, nhiều người trong số chúng ta sợ nhện, nhện nằm trong Top 10 loài ám ảnh của thế giới. Nhưng ẩn bên ngoài hình dáng xấu xí, ghê tởm của chúng lại là những kho thuốc thần tiên để chữa lành không ít bệnh cho con người.

Mary Astell, một triết gia người Anh vào thế kỷ 17 từng nói: “Không có sinh vật nào của Chúa hoàn toàn là những giống nòi bị khinh rẻ; những con côn trùng cơ khổ nhất cũng có hiệu dụng và đức hạnh riêng”. Nghe có vẻ đúng đặc biệt với thế giới y khoa. Những con ruồi nhà ăn rác và phân và mang hơn 100 tác nhân bệnh đe dọa nguy hiểm có thể truyền sang con người. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng con ruồi nhà đã giúp cho các nhà khoa học tìm ra căn nguyên bệnh tật ở người.

Trong cuộc nghiên cứu được công bố trên tờ Sinh học hệ di truyền vào tháng 10/2014, TS Jeff Scott và các đồng nghiệp đến từ Đại học Cornell ở Ithaca (New York, Mỹ) đã tiết lộ về cách giải mã bộ gene của ruồi nhà bằng cách sử dụng ADN từ 6 ruồi cái. So sánh ADN của ruồi nhà với ruồi giấm – có cùng 60% gene người – nhóm nghiên cứu đã xác định rằng các gene đã khiến cho loài ruồi nhà miễn dịch với các tác nhân mà chúng mang, cũng có nghĩa chúng ta sẽ có những cách chữa trị mới cho nhân loại. Và phát hiện này mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi, còn có nhiều thần dược khác nữa từ các loài sinh vật khác mang lại cho con người.

Nhện: Giảm đau và tái tạo thần kinh hư hại

Nhiều người mới nghĩ tới từ “nhện” đã cảm thấy hãi. Hàng triệu người trên thế giới ghét loài sinh vật 8 chân thường hay sống bên dưới sofa. Song sự thật, nhện là loài sinh vật rất tuyệt vời. Ước tính có ít nhất là 40.000 loài nhện đang sinh sống trên toàn thế giới, trên mọi châu lục ngoại trừ châu Nam Cực. Mặc dù tất cả các loài nhện đều cắn song chỉ có khoảng 1 tá trong số chúng là có thể gây hại cho con người bằng nọc cực độc.

Loài nhện góa phụ đen, nhện nâu ẩn dật và loài nhện Hobo là một trong số những loài nhện có nọc độc tìm thấy tại Mỹ. Chỉ cần một vết cắn của một trong số ba loài nhện này cũng gây nên các triệu chứng như sốt, ngứa hoặc phát ban, nôn mửa, cao huyết áp và khó thở. Hiếm khi nhện cắn mà có thể gây nên cái chết. Dù có nọc độc gây hại cho người song nó cũng có lợi ích với sức khỏe con người.

Nọc độc của loài nhện góa phụ đen có thể làm thuốc giảm đau.
Nọc độc của loài nhện góa phụ đen có thể làm thuốc giảm đau.

Đầu tháng 4/2015, Báo Tin tức y học ngày nay (MNT) đã báo cáo về một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Australia), họ tuyên bố rằng đã xác định được một số hợp chất trong nọc độc nhện có thể chữa dứt căn bệnh đau mãn tính ở người. Qua việc rà soát nọc của 205 loài nhện, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng 40% nọc độc có chứa ít nhất 1 hợp chất mà có khả năng khóa chặt cơn đau mãn tính ở người, họ gọi hợp chất đó là Nav1.7. Có một hợp chất đặc biệt gọi là Hd1a tìm thấy trong một loài nhện tên là Haplopelma doriae – một thành viên của họ nhện sói, cho thấy nhiều hứa hẹn.

Trưởng nhóm nghiên cứu – GS Glenn King tin rằng những khám phá mới có thể dẫn đến các cách điều trị hiệu quả hơn cho hàng triệu người trên thế giới – những người mắc bệnh đau mãn tính.GS Glenn King nói thêm: “Việc khai thác nguồn tự nhiên của các loại thuốc mới đã mang đến một hy vọng đặc biệt cho việc phát triển ra một thế hệ mới của các loại thuốc giảm đau, mà rằng có thể giúp cho những người bị đau mãn tính đã không được chữa lành từ những cách điều trị hiện nay”. Và không chỉ có nọc độc của nhện mới có thể tạo nên thuốc mới cho con người. Tơ nhện – một loại sợi đạm mà sinh vật này dùng để tạo nên lưới nhện – cũng tỏ ra hữu dụng trong việc điều trị sự hủy hoại thần kinh ở người, theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2011 bởi các nhà nghiên cứu đến từ trường y khoa Hannover (Đức).

Tơ nhện rất bền chắc, nghiên cứu khẳng định rằng nó mạnh gấp 5 lần so với thép. Các nhà nghiên cứu Hannover tin rằng vì độ bền cao của tơ nhện mà nó có thể là ứng viên sáng giá cho việc phẫu thuật tái tạo thần kinh, kỹ thuật này đã được chứng minh thành công trên cơ thể động vật.

Ong: Giúp chống việc kháng kháng sinh và điều trị HIV

Nọc độc của loài ong cũng rất ghê gớm, tuy nhiên chúng lại có trách nhiệm sản sinh ra một trong những thực phẩm được yêu thích nhất thế giới: mật ong. Và theo các nhà khoa học, loài sinh vật này còn có nhiều lợi ích hơn thế. Vào năm 2013, báo MNT đã báo cáo về một nghiên cứu được đăng trên tờ Liệu pháp chống virus, trong đó các nhà khoa học đã khám phá ra rằng làm thế nào mà một chất độc tìm thấy trong nọc ong – chất melittin – lại có tiềm năng để hủy diệt virus suy giảm miễn dịch ở người (virus HIV). Các nhà điều tra đến từ trường y khoa của Đại học Washington, giải thích rằng chất melittin có thể tạo ra những lỗ hổng trong lớp màng 2 lớp có chức năng bảo vệ, bao bọc quanh con virus HIV. Việc tăng liều lượng chất độc melittin tiêm vào con virus HIV thông qua các phân tử nano có thể là một cách tối ưu để tiêu diệt HIV.

Chất melittin có trong nọc độc ong có thể tiêu diệt virus HIV.
Chất melittin có trong nọc độc ong có thể tiêu diệt virus HIV.

Tác giả nghiên cứu, TS Joshua L. Hood tin rằng những khám phá mới này có thể dẫn đến việc sáng tạo ra một loại gel bôi âm đạo để làm dừng sự lây lan HIV. TS Hood giải thích: “Chúng tôi hy vọng rằng tại những nơi có mật độ lây lan nhanh HIV, người dân có thể dùng loại gel bôi này như là một biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm ban đầu”. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2014, tuyên bố rằng ong cũng tỏ ra hữu ích trong việc tạo ra một thế hệ kháng sinh mới. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) đã khám phá ra một vi khuẩn lactic acid có trong trong dạ dày con ong có các đặc tính kháng khuẩn. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng vi khuẩn tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại một lượng lớn các tác nhân kháng thuốc chịu trách nhiệm cho những lây nhiễm đe dọa mạng sống tiềm tàng, bao gồm kháng methicillinStaphylococcus aureus (MRSA) và kháng vancomycin Enterococcus (VRE). Các nhà nghiên cứu nói rằng những phát hiện của họ đã cho thấy một sự thay thế khả thi.

Bò cạp: Trị các vấn đề tim mạch

Giống như nhện, bò cạp tuy dữ dằn nhưng lại mê hoặc. Có khoảng 90 loài bò cạp đang sống ở Mỹ, phần lớn chúng cư ngụ tại các vùng đá núi và bãi cát. Tất cả các loài bò cạp đều có nọc độc, nhưng chỉ có từ 25-30 loài bò cạp có nọc độc đủ gây ra các bệnh nguy hiểm cho người. Nếu con người bị bò cạp có nọc độc cắn thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, co thắt cơ bắp, huyết áp cao, tăng hoặc giảm nhịp tim và tim đập bất thường. Nhưng kỳ diệu là nọc độc của bò cạp vừa hung hãn lại vừa cứu mạng sống cho bệnh nhân tim mạch.

Một nghiên cứu vào năm 2011 bởi các nhà nghiên cứu tại trường y khoa và sức khỏe cộng đồng của Đại học Wisconsin-Madison đã khám phá ra rằng các hợp chất có trong nọc độc của loài bò cạp Hoàng đế châu Phi (Pandinus imperator), tỏ ra hiệu quả trong việc chữa bệnh suy tim. Các nhà nghiên cứu tìm thấy các hợp chất gọi là calcin có thể làm giải phóng calcium trong các tế bào tim người, cho phép tim co bóp tốt hơn – đôi khi giới hạn những người mắc bệnh suy tim.

Bò cạp Hoàng đế châu Phi (Pandinus imperator)
Nọc độc của loài bò cạp Hoàng đế châu Phi (Pandinus imperator) có khả năng chữa dứt bệnh suy tim ở người.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2010 đã xác định một hợp chất có trong nọc độc của loài bọ cạp vỏ cây Trung Mỹ - một loài bò cạp được nuôi như thú cưng – có thể ngăn chặn việc ngừng tim khi bị té. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Leeds (Anh) đã giải thích rằng hợp chất được gọi là Margatoxin, có thể ngăn ngừa việc tăng sản neointimal sau phẫu thuật tim – một biến chứng phổ biến thường là căn nguyên gây tắc nghẽn mạch máu. Margatoxin hoạt động bằng cách ngăn chặn một kênh kali ion được gọi là Kv1.3, bao gồm hiện tượng tăng sản neointimal. GS Peter Weissberg, giám đốc y khoa tại Quỹ tim mạch Anh (BHF), phát biểu: “Các kết quả nhìn chung rất hứa hẹn, nhưng chúng tôi chưa biết chắc hướng tiếp cận này sẽ có lợi cho bệnh nhân trong phẫu thuật cho đến khi cần thêm nhiều nghiên cứu trên bệnh nhân, nhằm tiến tới thiết lập hiệu quả lâu dài và an toàn. Nọc độc bò cạp có rất nhiều lợi ích tiềm năng y học nếu được sử dụng thích hợp”.

Ếch: Trợ giúp cho cuộc chiến chống ung thư

Ếch có lẽ là một trong những loài vật ít gây sợ hãi nhất, và còn là một trong những loài thú vị cho thế giới y học. Nó có khả năng nhảy xa hơn 20 lần so với chiều dài cơ thể, và một số loài ếch như loài ếch Budgett còn có khả năng ngụy trang tài tình. Có hơn 6.000 loài ếch đang sống khắp thế giới, trong đó có 90 loài đang sống ở Mỹ. Chỉ có ít loài ếch có nọc độc gây hại cho con người. Thực vậy, một số loài ếch mang lại lợi ích cho con người trong cuộc đấu tranh chống bệnh ung thư. Vào năm 2011, báo MNT đã báo cáo về một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Queen’s Belfast (Bắc Ireland) tiết lộ rằng có 2 chất đạm trong da của loài ếch Khỉ sáp và loài cóc khổng lồ Firebellied có thể phá vỡ sự hình thành mạch, hoặc tăng trưởng mạch máu mới.

Nọc của loài ếch khỉ sáp có thể phá vỡ sự hình thành mạch, hoặc tăng trưởng mạch máu mới
Nọc của loài ếch khỉ sáp có thể phá vỡ sự hình thành mạch, hoặc tăng trưởng mạch máu mới trong chống bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng các khối u ung thư phát triển trong nguồn cung máu của họ, chúng tiếp nạp ô xy và chất dinh dưỡng để tăng trưởng. Một chất đạm sẽ làm tắt sự sinh trưởng mạch máu nghĩa là các khối u sẽ không nạp đủ nhiên liệu cho bản thân chúng, tức là chúng sẽ ngừng phát triển. Trưởng tác giả nghiên cứu – GS Chris Shaw giải thích: “Ngừng các mạch máu từ khi chúng phát triển sẽ dẫn đến các khối u ít lây lan và cuối cùng chúng bị tiêu diệt. Đây là tiềm năng để cải tổ căn bệnh ung thư từ “nhà ga tử thần” thành căn bệnh mãn tính”. Mặt khác, GS Shaw nói rằng một chất đạm như thế có thể làm kích hoạt sự tăng trưởng mạch máu, giúp sửa chữa nhanh mạch máu khi chúng bị hư hại sau đột quỵ.

Bò sát: Quản lý và trị bệnh tiểu đường

Bạn đã bao giờ nghe nói đến tên loài quái thú Gila. Được tìm thấy ở miền Tây Nam nước Mỹ và Tây Bắc Mexico, đây là một loài thằn lằn có nọc độc, và là một số rất ít ỏi loài thằn lằn có nọc độc trên thế giới. Một cú đớp của loài thằn lằn này không gây tử vong cho người trưởng thành nhưng nước bọt của nó còn là chiếc phao cứu mạng.

Vào năm 2007, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại trường y khoa Chapel Hill thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đã khám phá ra cách làm thế nào mà exenatide – một dạng hợp chất tổng hợp có trong nước bọt của con quái thú Gila, còn có cái tên khác là Exendin-4 – có thể giúp kiểm soát điều kiện bệnh tiểu đường và làm giảm cân. Hợp chất này đã hoạt động bằng cách cho tuyến tụy sản sinh nhiều insulin khi đường huyết quá cao. Trong nghiên cứu đó, 46% bệnh nhân – những người nhận liều exenatide với sự kết hợp các loại thuốc trị tiểu đường Metformin, và đã kiểm soát tốt lượng đường huyết của họ, so với chỉ 13% ở những người tham gia kiểm soát.

Nước bọt của con Gila có thể giúp trị bệnh tiểu đường.
Nước bọt của con Gila có thể giúp trị bệnh tiểu đường.

TS Michael Trautmann đến từ công ty dược phẩm Eli Lilly, người đã giúp phát triển nên thuốc mới, giải thích: “Con Gila chỉ ăn 3-4 lần/năm, và tuyến nước bọt của nó đã sản sinh ra một hợp chất gọi là exendin-4 có thể giúp chúng tiêu hóa những bữa ăn trong một thời gian rất lâu. Việc này rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường”. Xa hơn, không chỉ con Gila mới có khả năng trị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu hồi năm 2012 được công bố trên Liên lạc tự nhiên đã khám phá ra rằng có những chất độc trong một nọc độc rắn cũng có khả năng giúp chữa lành huyết áp cao và ung thư.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích trình tự gene từ loài trăn Miến Điện để tìm ra những khám phá quan trọng. Họ khám phá rằng, mặc dù các nọc độc của những loài rắn này có thể gây hại cho người, nhưng chúng có thể được cải tạo thành những phân tử ít độc để làm nên thuốc đặc hiệu. Trưởng nhóm nghiên cứu – TS Nicholas Casewell đến từ trường y học nhiệt đới Liverpool (Anh) giải thích: “Tuyến nọc của những loài rắn đã tham gia vào những chức năng mới cho các phân tử, một số nọc độc có thể sát hại con mồi, trong khi số khác cấu tạo nên các chức năng mới trong các mô khác của cơ thể”.

Cập nhật: 05/09/2017 Theo GDTĐ
  • 52
  • 2.570