Ngoài việc làm món ăn ngon, rau càng cua còn có tác dụng chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét, nhọt lở, chấn thương sưng đau…
Cây càng cua con.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà để trồng rau càng cua. Lưu ý, những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng xen rau càng cua trong các chậu cây cảnh bởi loại rau này không cần tốn quá nhiều diện tích.
Đất trồng
Rau càng cua rất dễ sống và có thể phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá, phân trùn quế…
Bụi rau càng cua xanh tốt.
Hạt giống
Hạt giống rau càng cua bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản gần nhà hoặc siêu thị.
2. Gieo hạt
Rau càng cua rất dễ nảy mầm nên hạt giống bạn không cần ngâm ủ trước khi gieo. Gieo hạt với mật độ không quá thưa hoặc quá dày. Sau khi gieo hạt xong phủ 1 lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
Rau càng cua được trồng xen trong chậu cảnh.
3. Chăm sóc
Rau càng cua là loại cây ưa ẩm, nên cần tưới nước thường xuyên vào buổi sáng sớm và chiều mát. Khi cây được khoảng 10 ngày tuổi thì chỉ cần tưới nước 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc chiều đều được.
Thường xuyên làm cỏ xung quanh bụi rau càng cua. Trong quá trình trồng, bạn không cần bón phân cho cây.
Rau càng cua cho thu hoạch.
4. Thu hoạch
Sau khi trồng khoảng 30-45 ngày thì rau càng cua bắt đầu cho thu hoạch. Khi thu hoạch, ngắt để lại gốc và một đốt để cho rau càng cua mọc tiếp.
Khi thấy cây rau càng cua có những hạt nhỏ ly ty, đó chính là hạt của rau càng cua thì bạn có thể lấy rải tiếp để rau càng cua sinh sôi tiếp.