Căn bệnh giết người bị lãng quên: Đôi chân đất của người nông dân và siêu vi khuẩn dưới bùn ruộng

Melioidosis cũng đang là căn bệnh bị bỏ quên tại Việt Nam.

Prasart Songsorn là một nông dân 56 tuổi sống ở Đông Bắc Thái Lan. Ngày nào cũng vậy, ông phải thức dậy trước bình minh để đi làm đồng. Ở xứ sở nhiệt đới này, nếu không dậy sớm, cái nóng thiêu đốt từ mặt trời cộng với hơi nước bốc lên oi ả sẽ khiến mọi người không thể làm việc được.

Prasart sục đôi chân trần xuống ruộng. Bùn vẫn ấm. Ông không đi ủng, bởi ủng hấp hơi và nóng. Mà thực ra Prasart không muốn mua bất cứ thứ gì, nó chỉ khiến ông thêm trăn trở giữa gia cảnh còn khó khăn và nghèo túng.

Bị tiểu đường từ những năm 40 tuổi nhưng Prasart gần như vẫn khỏe mạnh và làm việc không nghỉ một ngày nào. Bởi vậy, khi bắt đầu cảm thấy khó thở và sốt cao vào một ngày đầu tháng 6 năm ngoái, ông vẫn cố gắng ra đồng.

Chỉ cho đến khi không thể gắng gượng được nữa, Prasart mới tìm đến một bệnh viện địa phương. Thực ra nó chỉ là một cơ sở y tế cộng đồng cách đó vài cây số. Và Prasart đi bộ.

Ở đây, các bác sĩ nói rằng ông đã mắc bệnh thận do bỏ mặc tiểu đường mà không điều trị. Họ chuyển ông lên bệnh viện tuyến trên ở thành phố Ubon Ratchathani, cách đó gần 2 tiếng xe chạy. Và khi tới được đây, tình trạng của Prasart đã rất nặng.


Melioidosis là một căn bệnh bí ẩn với hầu hết mọi người.

Aroon, em gái của Prasart, không tin rằng ông bị bệnh thận do tiểu đường như các bác sĩ địa phương nói. “Anh ấy thấy khó thở, làm sao đó lại là vấn để ở thận được?”, cô nghĩ. Aroon mong đợi các bác sĩ giỏi ở thành phố sẽ tìm ra điều gì đang thực sự xảy ra với anh mình. Nhưng rồi, họ cũng không có câu trả lời.

Trong khoảng hơn 1 tuần, Prasart đã phải chịu đựng căn bệnh bí ẩn mà không ai biết đó là gì. Chỉ đến khi ông qua đời, người em Aroon mới biết anh mình đã bị nhiễm melioidosis. Mặc cho bệnh melioidosis là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi hàng đầu ở Thái Lan đặc biệt là vào mùa mưa, nó vẫn là một căn bệnh bí ẩn với hầu hết mọi người.

Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về bệnh melioidosis”, Sompurn, em trai của Prasart nói. “Sau khi ảnh mất, chúng tôi được phát cho một tờ rơi nhỏ, nói về cách bệnh melioidosis nhiễm từ đất và làm thế nào để tự bảo vệ mình”.

Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu về căn bệnh này vào năm 2002, Direk Limmathurotsakul tại Đơn vị nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford Mahidol (MORU) đã nhận thấy melioidosis đang bị lãng quên. “Bệnh melioidosis đang bị lãng quên, đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới còn chẳng liệt kê nó như một căn bệnh bị lãng quên ở vùng nhiệt đới”, Limmathurotsakul nói tại Hội nghị về các mối đe dọa sinh học vào năm 2017 tại Washington, DC.

Melioidosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó có thể gây ra một loạt các triệu chứng thông thường, bao gồm sốt, đau cơ, áp xe và ho, khiến cho các nhà nghiên cứu gọi nó là "kẻ ẩn náu vĩ đại". Chẩn đoán melioidosis rất khó. Nó đòi hỏi các quá trình xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khéo léo, có thể mất tới hơn một tuần. Nhưng đó thường là khoảng thời gian mà các bệnh nhân như Prasart không thể cầm cự được.


Melioidosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Những điều này đã góp phần vào sự thiếu đánh giá tình hình tổng quát, nghĩa là không ai biết có bao nhiêu trường hợp nhiễm melioidosis ở Thái Lan - hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Và Limmathurotsakul có mặt ở đây để thực hiện sứ mệnh cuộc đời anh: Soi những ánh sáng vào bệnh melioidosis và khai quật nó như một trong những bệnh nhiệt đới quan trọng nhất từng bị bỏ quên trên thế giới.

Trận chiến vĩ đại nhất của anh không phải để chống lại melioidosis trên phương diện bệnh học, mà đó là một kẻ thù ghê gớm hơn: sự trì trệ và thờ ơ của các quan chức chính phủ. Limmathurotsakul biết melioidosis là một vấn đề lớn; câu hỏi đặt ra là liệu anh có thể khiến mọi người cũng chú ý đến nó như anh?


Bệnh melioidosis đang bị lãng quên.

“Bệnh melioidosis đang bị lãng quên, đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới còn chẳng liệt kê nó như một căn bệnh bị lãng quên ở vùng nhiệt đới” - Limmathurotsakul

Trở lại những năm 1910, bác sĩ người Anh Alfred Whitmore và trợ lý phẫu thuật C S Krishnaswami của mình rất kinh hãi trước một thực trạng ở Bệnh viện Đa khoa Rangoon, Miến Điện (nay là thành phố Yangon, Myanmar). Thường xuyên, có những bệnh nhân nam nhập viện, chết hoặc rơi vào tình trạng nguy kịch với những cơn sốt, suy dinh dưỡng và dấu hiệu của việc nghiện thuốc phiện.

Ban đầu, bác sĩ Whitmore nghi ngờ những người này sử dụng thuốc phiện thật. Nhưng tốc độ trầm trọng của bệnh cùng với những vết áp xe, cách xa vị trí tiêm chích của con nghiện, đã khiến ông phải suy nghĩ lại.

Khi hai bác sĩ phân lập vi khuẩn từ vết áp xe của những bệnh nhân, họ nhận ra chúng cũng được tìm thấy ở phổi và lá lách của họ. Căn bệnh thực chất là một nhiễm trùng nặng. Họ đặt tên vi khuẩn đó là Bacillus pseudomallei. Nhưng đó là thời điểm thuốc kháng sinh chưa ra đời, việc tìm ra nguyên nhân không giúp gì những bệnh nhân đang kiệt quệ dần vì nhiễm trùng.

Không có gì thay đổi nhiều sau 80 năm, giữa thời điểm Whitmore và Krishnaswami phát hiện ra căn bệnh kỳ lạ và lúc Limmathurotsakul tốt nghiệp trường y. Căn bệnh đã chính thức được gọi là bệnh vào năm 1932, các nhà khoa học phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh Burkholderia pseudomallei (tên được đổi vào năm 1992) ở khắp các nước Đông Nam Á, mặc dù căn bệnh chỉ tập trung chính ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào.

Học cách điều trị bệnh melioidosis là một quá trình thử lửa. Limmathurotsakul đã đọc rất nhiều về căn bệnh trong giáo trình, nhưng anh chưa bao giờ thử điều trị một bệnh nhân nào cho đến khi tới bệnh viện Sunpasitthiprasong ở Ubon Ratchathani.

Mặc dù đã có thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, nhưng có rất ít kháng sinh có thể điều trị melioidosis. Hơn nữa, một khi bệnh nhân đã tới bệnh viện, tình trạng của họ đã quá nặng để có thể điều trị bằng kháng sinh.

Khoảng một nửa số bệnh nhân của tôi đã qua đời. Nó giống như trò tung đồng xu”, Limmathurotsakul nói.

Trong suốt mùa mưa, từ tháng 7 tới tháng 10, thời tiết đã khuấy lên những con vi khuẩn đang ẩn náu trong đất và nước. Các nhà khoa học vẫn chưa biết bệnh melioidosis nhiễm vào người như thế nào. Một giả thuyết là mưa làm bốc hơi vi khuẩn, sau đó, chúng ta hít phải.

Mùa mưa cũng là lúc những người nông dân trồng lúa như Songsorns phải làm việc nhiều ngày trên đồng ruộng. Đi chân trần ngập trong bùn và làm việc tay không có thể khiến họ bị nhiễm melioidosis. Kết quả là bệnh viện quá tải.

Trong mùa mưa đầu tiên của Limmathurotsakul ở bệnh viện, anh đã phải đối mặt với những chuỗi ngày lặp đi lặp lại một cách khủng khiếp.

Bạn đi xung quanh và bạn nhìn thấy bệnh nhân melioidosis, bệnh nhân melioidosis, melioidosis, melioidosis. Cứ 2 hoặc 3 ngày, có một người trong số họ chết”, Limmathurotsakul nhớ lại. Bệnh nhân melioidosis mới được đưa vào nằm đúng giường của người mới mất.

Năm đó, hơn 100 bệnh nhân melioidosis tử vong, tính riêng ở Sunpasitthiprasong. Mặc dù mệt mỏi và lúng túng, Limmathurotsakul biết những người đặt dưới sự chăm sóc của anh đã là những người may mắn hơn hầu hết bệnh nhân melioidosis khác. Ít nhất, họ đã được điều trị tại một bệnh viện có khả năng chẩn đoán và chữa melioidosis.


Mùa mưa là thời điểm bệnh melioidosis bùng phát mạnh.

Các triệu chứng dễ nhầm lẫn khiến cho chẩn đoán melioidosis đặc biệt khó khăn. Cùng là một chủng vi khuẩn, nhưng nó có thể gây viêm phổi cho một bệnh nhân, nhưng lại là nhiễm trùng máu ở một bệnh nhân khác, một bệnh nhân khác nữa thì có vết áp xe ở khuỷu tay.

Trong một nghiên cứu nhỏ trên quy mô bệnh viện, hơn một nửa số trẻ em nhiễm melioidosis bị nhiễm trùng cục bộ, phần lớn xảy ra trong tuyến nước bọt. Trong khi đó ở Australia, nơi melioidosis thường bùng phát ở khu vực hẻo lánh ở phía Bắc, những người đàn ông lớn tuổi bị nhiễm bệnh thường bị áp xe trong tuyến tiền liệt.

Bây giờ cũng vẫn như thời đại của bác sĩ Whitmore, melioidosis được chẩn đoán bằng cách nuôi cấy vi khuẩn từ vết áp xe, nước tiểu, đờm, máu hoặc bất cứ nơi nào khác mà bác sĩ nghĩ rằng có thể tìm ra căn bệnh này, Vanaporn Wuthiekanun, một nhà vi sinh học tại MORU nhẹ nhàng giải thích. Bà đã làm việc với bệnh melioidosis ở Sunpasitthiprasong trong hơn 30 năm.

"Sẽ rất dễ dàng nếu bạn có kinh nghiệm, nhưng đó là thách thức đối với những người chưa từng", bà nói. Xét nghiệm cũng tốn nhiều thời gian, và giống như gia đình của Prasart Songsorn, nhiều người không biết điều gì đã xảy ra với người thân của mình cho đến khi họ chết, lúc đó vi khuẩn mới được tìm ra.

Ngay cả khi chẩn đoán được melioidosis khi bệnh nhân còn sống, điều trị melioidosis cũng không dễ dàng. Vi khuẩn này có một màng ngoài bằng sáp có thể kháng lại hầu hết các loại kháng sinh. Các loại thuốc như gentamicin, dùng để điều trị viêm phổi và nhiễm trùng máu, không có hiệu quả với melioidosis.

Bởi vậy, điều trị melioidosis phải dùng đến ceftazydim, tiêm tĩnh mạch từ hai đến bốn tuần trong bệnh viện, tiếp theo là ba đến năm tháng thuốc kháng sinh khi bệnh nhân đã xuất viện ngoại trú.

Melioidosis được phát hiện và điều trị càng sớm thì càng tốt. Nhưng theo Wuthiekanun, ngay cả điều trị khẩn cấp cũng không đảm bảo được bệnh nhân sẽ sống sót. Tỉ lệ tử vong do bệnh melioidosis ở Thái Lan dao động ở mức 50% khi Limmathurotsakul bắt đầu công việc của mình và không thay đổi nhiều kể từ đó. Tại miền Bắc Australia, ít nhất 10-20% số bệnh nhân melioidosis sẽ chết.

Những con số đó là rất lớn, so sánh trong tiêu chuẩn của các bệnh truyền nhiễm, Patrick Harris, một bác sĩ ở Australia giải thích. Những căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác có tỷ lệ tử vong lần lượt là: sốt rét (0.2%), sốt xuất huyết (1%, cao hơn ở những trường hợp nặng), bệnh Chagas (dưới 5%) và bệnh leptospirosis (5-15%).

"Trên phạm vi toàn cầu, gánh nặng bệnh melioidosis vẫn còn khá lớn, có lẽ bởi vì những người nhiễm bệnh không trình diện kịp thời. Họ không thể đến bệnh viện một cách nhanh chóng. Melioidosis thường xảy ra phổ biến ở các cộng đồng nghèo, nông dân ở vùng nông thôn, những người có thể phải đi một chặng đường dài để đến được một thành phố hoặc bệnh viện lớn. Có rất nhiều yếu tố xã hội khác tham gia vào vấn đề này", bác sĩ Harris nói.


Các khu vực bệnh melioidosis lưu hành.

Limmathurotsakul cho biết phòng xét nghiệm của anh thực chất chỉ đón tiếp được một số lượng nhỏ bệnh nhân, trong tổng số ca nhiễm melioidosis trên toàn Thái Lan. Rất nhiều bệnh nhân đã chết trước khi họ có thể đến bệnh viện. Một số người khác thì tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài bệnh viện, từ những người không có chuyên môn, sẵn sàng kê cho họ đủ thứ thuốc, từ penicillin đến các loại thuốc lá xoa bóp.

Limmathurotsakul nhận ra Thái Lan đang phải đối mặt với thực trạng melioidosis nghiêm trọng. Nếu chỉ riêng anh đã phải chứng kiến 100 ca tử vong vì melioidosis trong chỉ một bệnh viện và chỉ trong một mùa mưa, ước chừng phải đến hàng chục ngàn người Thái Lan đang phải chết vì nó mỗi năm.

Tuy nhiên, kể từ khi Thái Lan báo cáo trường hợp mắc melioidosis đầu tiên năm 1947, con số tử vong chính thức hàng năm là rất nhỏ - thậm chí vào giữa những năm 2000, thống kê cho thấy tỷ lệ mắc melioidosis chỉ khoảng 1/100.000.

Lào đã không ghi nhận được bất cứ ca bệnh melioidosis nào cho đến năm 1999. Ở Myanmar các ca bệnh xuất hiện từ năm 1945, nhưng chỉ được ghi nhận trên khách du lịch. Dữ liệu thống kê nghèo nàn tạo ra một vòng xoáy: các cơ quan tài trợ sẽ không cấp tiền để làm nghiên cứu về một căn bệnh dường như không có thật, nhưng không có tiền, các nhà khoa học như Limmathurotsakul không thể làm việc để thống kê dữ liệu chứng minh melioidosis là một căn bệnh tồn tại.

"Vấn đề chính mà mọi người cố gắng hỏi là đang có bao nhiêu người chết vì căn bệnh này, nếu chúng ta không thể trả lời, các nhà hoạch định chính sách sẽ không hành động gì cả”, anh nói.

Melioidosis - căn bệnh bị lãng quên ở vùng nhiệt đới

Melioidosis (hay còn gọi là bệnh Whitmore) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

B. pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất và nước, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước chứa vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn, thường từ các trận gió trước cơn mưa cũng được một số nhà khoa học nghi ngờ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy bệnh nhân có thể nhiễm melioidosis qua thức ăn nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, các ca nhiễm melioidosis thường lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Ca nhiễm bệnh melioidosis đầu tiên được phát hiện tại Burma, Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore (tên của ông được đặt cho căn bệnh).

Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam được ghi nhận tại Viện Pasteur, Hồ Chí Minh vào năm 1925.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trịnh Trành Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Sử liệu cho thấy, từ năm 1948 đến năm 1954, có khoảng 100 binh lính Pháp bị nhiễm bệnh trên chiến trường Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam có khoảng 350 binh lính Mỹ bị nhiễm bệnh.

Những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, Whitmore còn được gọi với một cái tên "Vietnamese - time bomb" nhằm ám chỉ một bệnh truyền nhiễm bị nhiễm ở Việt Nam, sau đó ủ bệnh một thời gian dài rồi mới phát bệnh khi các cựu chiến binh Mỹ xuất ngũ trở về.

Sau ngày giải phóng đất nước, chỉ có một số ít các bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh.

Một trong những lý do thiếu thông tin này ở các bệnh viện tuyến dưới là bác sĩ lâm sàng chưa biết nhiều về bệnh và chưa cảnh giác xét nghiệm chẩn đoán bệnh, các cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa có quy trình xét nghiệm bệnh và cũng chưa chú ý đến xét nghiệm bệnh.

Chính vì vậy, Whitmore là một bệnh truyền nhiễm đang bị bỏ quên tại Việt Nam.

Một cơn sốt bắt đầu vào tháng Hai. Pailat Ganjanarak nhận ra ông khó có thể chịu thêm những cơn mệt mỏi, ớn lạnh và nôn mửa. Bởi vì vậy, ông đã đi bóp thuốc, một cách chữa bệnh phổ biến ở vùng này của Thái Lan. Nó có thể chữa tất cả những bệnh nhẹ. Nhưng trong trường hợp của Ganjanarak, bóp thuốc không giúp gì được.

Sau đó, người đàn ông 55 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng tạp hóa nhỏ, đi về phía Nam từ Ubon Ratchathani, để đến gặp một bác sĩ địa phương, người đã chẩn đoán Ganjanarak bị viêm và kê cho ông nhiều loại steroid. Sau một tuần, căn bệnh của Ganjanarak trở nặng hơn bao giờ hết. Mười hai ngày thuốc kháng sinh cũng không giúp ích. Bệnh tình của ông ấy cứ ngày càng tệ dần hơn.

"Tôi đã rất ốm, thậm chí không thể đi được", ông kể lại.

Vì quá lo lắng, vợ Ganjanarak đã lái xe đưa ông đến bệnh viện Sunpasitthiprasong, hy vọng các bác sĩ ở đó có thể xác định được căn bệnh bí ẩn của chồng mình. Phải cho đến giữa tháng Ba, hơn một tháng sau khi Ganjanarak phát bệnh, các xét nghiệm máu mới cho câu trả lời.

Mặc dù đã sống gần như cả cuộc đời của mình ở Thái Lan, nơi bệnh melioidosis là phổ biến nhất, Ganjanarak chưa bao giờ nghe nói về nó. Hầu hết bạn bè của ông cũng vậy. "Đa số mọi người không tin tôi vì họ chưa bao giờ nghe đến nó", ông nói.

Theo Pornpan Suntornsut, từ đơn vị nghiên cứu melioidosis của MORU-Sunpasitthiprasong, mọi người Thái Lan đều có hiểu biết về bệnh leptospirosis - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra bệnh thận - viêm màng não và viêm phổi. Nhưng hiếm có ai đó biết về bệnh melioidosis. Cô cho biết chỉ có khoảng 2% người dân ở Ubon Ratchathani biết melioidosis là gì. Thậm chí các bác sĩ cũng không biết nhiều về nó.

Đối với Suntornsut, điều này phản ánh thái độ chính thức đối với bệnh milioidosis. Bệnh nhân không có thắc mắc gì về melioidosis, trong khi các bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nhanh và chính phủ không có đủ số liệu - hoặc đủ ý chí chính trị - để đưa ra bất kì hành động nào.


Số bệnh nhân tiểu đường gia tăng cũng có thể đẩy số lượng ca mắc melioidosis lên cao hơn.

Một vấn đề nữa là hệ thống báo cáo bệnh tật ở Thái Lan. Limmathurotsakul nói sau Thế chiến thứ hai, chính phủ nước này muốn có một phương pháp để phát hiện và ngăn chặn dịch tả bùng phát. Ở thời điểm ban đầu đó, tất cả những gì người bệnh cần làm là gọi một cú điện thoại đến Bộ Y Tế và sẽ có một người được gửi đến chăm sóc và điều tra họ.

Tuy nhiên, trong vòng 60 năm tở lại đây, ngày càng có nhiều căn bệnh được đưa vào danh sách cần báo cáo - tổng số hiện nay là tới 78 bệnh truyền nhiễm. Vậy mà ở hầu hết các bệnh viện Thái Lan, bao gồm cả các bệnh viện có 1.000 giường bệnh công suất điều trị 200.000 bệnh nhân mỗi năm, vẫn chỉ có 1 cán bộ chuyên trách báo cáo tất cả các ca bệnh này, theo Limmathurotsakul chia sẻ.

Anh nói điều này khiến hệ thống có thể thay đổi các đối tượng ưu tiên: "Năm nay, chúng tôi có dịch sốt xuất huyết bùng phát, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu báo cáo sốt xuất huyết. Chúng tôi sẽ báo cáo. Chúng tôi cần dữ liệu để thông tấn đến người dân trên toàn quốc. Cứ khi nào có đợt bùng phát bệnh cúm, cúm gia cầm, bệnh Ebola, bệnh tả ... bất cứ điều gì đáng sợ trong năm, họ sẽ nói, OK, năm nay căn bệnh này là ưu tiên".

Melioidosis không phải là bệnh gây ra các đợt bùng phát hoặc đại dịch lớn, và nó không phải thứ truyền thông có thể giật title hay có được sự quan tâm của chính phủ - nó chỉ gây ra những ca nhiễm trùng âm thầm ở mức ổn định.

Melioidosis thường không lây truyền từ người sang người, làm giảm mức độ ưu tiên của nó hơn nữa. Căn bệnh cũng có xu hướng ảnh hưởng đến những người nông dân nghèo ở vùng nông thôn của Thái Lan, một yếu tố khác khiến nó ít được quan tâm đến.


Các nhà khoa học lấy mẫu nước xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh melioidosis.

Phía bên kia biên giới phía tây Thái Lan là Lào và Campuchia, những thách thức tương tự cũng xuất hiện. Tại Bệnh viện Nhi Angkor ở Siem Reap, Paul Turner ghi nhận khoảng 40 đến 50 trường hợp chẩn đoán nhiễm melioidosis nhập viện mỗi năm. Ông ước tính trên toàn đất nước Campuchia con số phải lên đến hàng ngàn trường hợp, nhưng bởi tính chất địa phương của căn bệnh này, chính phủ không yêu cầu báo cáo về nó.

Hệ quả cuối cùng là những báo cáo về melioidosis, cả ở Đông Nam Á và các nơi khác trên thế giới, đều không đầy đủ. Đã có những trường hợp melioidosis ở Brazil và khắp Châu Phi - những bệnh nhân không đi du lịch, có nghĩa là họ nhiễm vi khuẩn ngay tại nơi cư trú của mình.

Limmathurotsakul và David Dance, một bác sĩ người Anh đang nghiên cứu về melioidosis ở Lào, cho rằng thực trạng này vẫn mới chỉ là một phần của gánh nặng bệnh tật, bởi vì bệnh melioidosis có vẻ giống với rất nhiều bệnh nhiệt đới khác và chẩn đoán nó rất khó.

Và gánh nặng này sẽ tăng lên do hai yếu tố: biến đổi khí hậu và bệnh tiểu đường.

Bên kia Ấn Độ Dương ở Sri Lanka, bác sĩ bệnh truyền nhiễm Enoka Corea đã kêu gọi các đồng nghiệp của mình theo dõi các trường hợp nhiễm melioidosis từ 10 năm trước. Trong vài năm đầu tiên, họ chỉ tìm ra một hoặc hai trường hợp. Bây giờ, các ca bệnh đã thường xuyên xuất hiện với tần suất ổn định.

"Chúng tôi đột nhiên phát hiện ra rằng trước đây, chúng tôi từng chỉ ghi nhận khoảng 10 trường hợp melioidosis mỗi năm. Nhưng sau đó, con số tăng lên đến 23, đến 65, sau đó đến 100", Corea nói. Bà còn cho rằng con số bệnh nhân melioidosis hằng năm sẽ còn tiếp tục tăng, vì thay đổi khí hậu đang gây ra nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, làm xói mòn vi khuẩn từ đất, cũng như tăng diện tích mà vi khuẩn B. pseudomallei có thể phát triển trên thế giới.

Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã bắt đầu cảm nhận được ở Australia. Các mô hình khí hậu dự đoán rằng nhiều vùng của nước này sẽ trở thành vùng nguy cơ dịch cho bệnh melioidosis. Số bệnh nhân tiểu đường gia tăng cũng có thể đẩy số lượng ca mắc melioidosis lên cao hơn.

Mặc dù không ai biết chính xác nguyên nhân tại sao, nhưng bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc melioidosis. Và khi một bệnh nhân tiểu đường mắc melioidosis, tình trạng của họ thường diễn biến xấu hơn, chẳng hạn như dẫn đến nhiễm trùng máu hay viêm phổi, làm tăng nguy cơ tử vong.

"Cả hai (bệnh đái tháo đường và biến đổi khí hậu) gần như chắc chắn sẽ khiến tỷ lệ mắc melioidosis tăng lên trong tương lai", Dance nói.

Ngay cả khi các đồng nghiệp dự đoán số trường hợp mắc melioidosis sẽ tăng cao trong tương lai, Limmathurotsakul vẫn phải vật lộn để thuyết phục chính phủ Thái Lan công nhận và đánh giá bệnh melioidosis hiện tại là một gánh nặng.

Ở khắp các cấp ngành, ông đều tìm thấy những vấn đề. Với những cơ sở y tế ở cấp nhất, vấn đề của họ là thiếu thời gian và nguồn lực, hoặc sợ bị cấp trên khiển trách khi không báo cáo các trường hợp melioidosis sớm hơn. Tuy nhiên, đối với cấp quản lý trên, họ lại không muốn gây hoảng loạn trong người dân và không tin dữ liệu hiện tại đủ quan trọng.


Limmathurotsakul là một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu melioidosis

"Tôi đã phải thay đổi nhận thức của tất cả các cấp ngành", Limmathurotsakul nói. Quá trình này liên quan đến nhiều năm họp với các quan chức chính phủ, từ các nhân viên của các bệnh viện nhỏ đến cả Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đồng thời, Limmathurotsakul và nhóm của anh bắt đầu thu thập dữ liệu và phát triển các mô hình máy tính để ước tính gánh nặng bệnh melioidosis. Năm 2016, họ công bố ước tính toàn cầu đầu tiên về tần suất nhiễm melioidosis, và con số này cao hơn nhiều so với bất cứ ai có thể dự đoán.

Nghiên cứu của họ cho thấy có khoảng 165.000 người mắc melioidosis mỗi năm và 89.000 người trong số đó tử vong. Quan trọng hơn, công trình của họ cho thấy các điểm nóng melioidosis đã vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Ấn Độ và Sri Lanka.

"Thực sự thì bài báo đó mới chỉ là sự khởi đầu”, Dance nói. "Là sự khởi đầu trong công cuộc cố gắng nâng cao nhận thức về bệnh melioidosis giúp mọi người hiểu rằng nếu những dự đoán từ mô hình nghiên cứu chính xác, bệnh melioidosis thực sự là một kẻ giết người khủng khiếp hơn nhiều so với các bệnh quen thuộc khác".

Cùng với những năm tháng Limmathurotsakul miệt mài thuyết phục các quan chức chính phủ nhằm cải thiện các thống kê về melioidosis, báo cáo cao cấp này đã dẫn tới những thay đổi về thái độ chính thức đối với căn bệnh này.

Chỉ riêng ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, tỷ lệ nhiễm melioidosis đã tăng từ 4,4 trường hợp/100.000 người dân vào đầu những năm 1990 lên 21,0 trường hợp/100.000 người dân vào năm 2016, nhờ việc cải thiện thống kê. Càng nhiều bệnh viện báo cáo càng nhiều trường hợp melioidosis, Limmathurotsakul hy vọng điều này sẽ khuyến khích các bệnh viện khác cùng tham gia. Ông cũng hy vọng dữ liệu thống kê sẽ thúc đẩy những nghiên cứu mới.

Thế nhưng, ngăn chặn melioidosis sẽ đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ thống kê. Bởi vậy, một số nhà khoa học khác bắt đầu quan tâm đến việc phát triển các loại vắc-xin hoặc xây dựng các cơ sở y tế mới.


Đi ủng là một cách đơn giản để phòng tránh melioidosis khi lao động nông nghiệp.

Trên khắp những cánh đồng lúa xanh tốt ở Thái Lan, những người nông dân vẫn đang còng lưng trên mảnh ruộng của họ, lội bùn lên đến tận bắp chân. Hầu hết nông dân đều đi chân đất. Và bạn sẽ hiểu tại sao họ làm vậy khi trời trở về trưa, ngay cả khi đứng trên bờ.

Mồ hôi sẽ đổ ra từ tất cả các lỗ chân lông của bạn. Trong chưa đầy năm phút, bạn sẽ ướt đẫm người, mái tóc bết mồ hôi . Ngay cả là đi dép, đôi chân của bạn cũng sẽ bỏng rát vô cùng. Lúc này, đi ủng mới đúng là một ý tưởng buồn cười.

Nhưng đó lại chính xác là những gì nhóm MORU muốn khuyến cáo những người nông dân.

Đi chân đất lội bùn là một con đường lây truyền bệnh melioidosis. Trước đây, thời tiết là những gì ngăn cản những đôi ủng được bán cho người nông dân. Suntornsut nói rằng với một vài trường hợp chính thức của bệnh melioidosis được báo cáo, hầu hết mọi người sẽ không chịu đi ủng.

Nhưng bây giờ, khi căn bệnh này đang được công nhận, các nhà nghiên cứu sẽ dễ dàng nói với những người nông dân về tầm quan trọng của việc đi ủng và uống nước đun sôi để diệt vi khuẩn. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả, Suntornsut cảm thấy những nỗ lực của nhóm mình đã được đền đáp xứng đáng.

Limmathurotsakul thì đã có thể thay đổi thái độ của chính phủ về việc phải thống kê bệnh melioidosis, nhưng cuộc chiến của anh còn lâu mới kết thúc. Ngồi đằng sau bàn làm việc của mình ở Ubon Ratchathani, anh ngả người và dừng lại sau gần hai tiếng đồng hồ nói không ngừng nghỉ về melioidosis.

"Bạn cần tiếp tục công việc", anh nói. "Bởi vì nếu bạn không tiếp tục, không có bạn ở đây, chẳng ai khác sẽ làm công việc này. Bạn không thể hy vọng rằng ai đó sẽ làm điều đó cho bạn".

Cập nhật: 22/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video