Căn bệnh giết người hàng loạt và những bí ẩn 500 năm chưa thể làm rõ

  •  
  • 13.898

Dù hàng trăm năm đã trôi qua nhưng nguyên nhân gây nên căn bệnh kỳ lạ này vẫn chưa bao giờ được làm rõ, đưa nó trở thành bí ẩn lớn nhất lịch sử y học thế giới.

Nỗi ám ảnh hơn 60 năm

Năm 1485, sau khi vua Henry VIII chính thức lên ngôi Hoàng đế Anh đã lập tức phải đối mặt với một khó khăn lớn bởi sự xuất hiện của một chứng bệnh chết người đầy bí hiểm. Theo đó, người bệnh sẽ đột nhiên đổ mồ hôi toàn thân rồi chết chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Vừa lên ngôi, vua Henry VIII đã phải đối mặt với căn bệnh khủng khiếp hoành hành khắp nơi.
Vừa lên ngôi, vua Henry VIII đã phải đối mặt với căn bệnh khủng khiếp hoành hành khắp nơi.

Ban đầu, Vua Henry lầm tưởng đây là 1 dạng của bệnh dịch hạch. Cho nên, ông đã ra lệnh cấp phát thuốc cho dân chúng. Tuy nhiên, khi tiến hành khám và đối chiếu triệu chứng, các thầy thuốc nhận ra chứng bệnh đang hoành hành chẳng liên quan gì đến bệnh dịch hạch.

Theo tài liệu còn sót lại, nạn nhân mắc phải chứng bệnh lạ kỳ này thường bắt đầu bằng cảm giác lo sợ vu vơ, tiếp theo là những cơn ớn lạnh, chóng mặt, đau đầu. Không lâu sau, những cơn đau khủng khiếp sẽ xuất hiện, tập trung vào những vị trí như cổ, vai, tay chân, khiến bệnh nhân mệt mỏi rã rời.

Những cơn ớn lạnh vẫn tiếp diễn, kéo dài khoảng nửa giờ đến chừng 3 giờ đồng hồ. Cuối cùng, cơ thể người bệnh đột ngột chuyển sang sốt nóng toàn thân. Mồ hôi họ tuôn ra như tắm không ngừng, cùng với các biểu hiện khác như đau đầu, mê sảng, tim đập nhanh.

Mất mồ hôi quá nhiều và quá nhanh khiến người bệnh luôn khát nước, nhưng dù họ có uống bao nhiêu nước thì mồ hôi vẫn tiếp tục tuôn ra bấy nhiêu, người bệnh kiệt sức nhanh chóng và rơi vào hôn mê và tử vong.

Theo những ghi chép của các thầy thuốc Hoàng gia Anh thời đó, số ít may mắn sống sót thì cũng phải chịu những tổn thương nặng nề về trí óc. Đặc biệt, hệ miễn dịch của họ bị phá hủy hoàn toàn khiến những người này cuối cùng sẽ chết sau đó vài năm vì những chứng bệnh thông thường.

Nước Anh không phải là nơi duy nhất phải hứng chịu sự tàn phá kinh hoàng này. Từ London, căn bệnh bí hiểm dần lan truyền khắp châu Âu.

Trong khi các thầy thuốc hàng đầu châu Âu đều bó tay không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh cũng như biện pháp chữa trị, thì nó cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1485 rồi đột nhiên biến mất không dấu vết vào năm 1551, trong suốt hơn 60 năm, nó đã hoành hành khắp châu lục này, gây nên cái chết cho hàng chục nghìn người.

Bí ẩn suốt 5 thế kỷ

Căn bệnh với những triệu chứng lạ đã gây nên cái chết cho hàng chục nghìn người.
Căn bệnh với những triệu chứng lạ đã gây nên cái chết cho hàng chục nghìn người.

Điều kỳ lạ là căn bệnh dị thường này chỉ tấn công người trưởng thành chứ không hề xảy ra với trẻ em. Ca bệnh trẻ tuổi nhất được ghi nhận là một cậu thanh niên 18 tuổi.

Hơn 500 trôi qua, qua những ghi chép y học còn lưu lại, y học hiện đại cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa căn bệnh bí ẩn này với bất kỳ chứng bệnh nào khác đã được biết đến như viêm phổi, sốt xuất huyết hay dịch tả…

Ban đầu, khi dịch bệnh mới xảy ra, nghi vấn đầu tiên tập trung vào đội quân của vua Henry VIII khi được cho là đã mang theo các mầm bệnh từ môi trường ô nhiễm ở chiến trường. Tuy nhiên, nhiều người không hề tiếp xúc với các đối tượng này mà vẫn mắc bệnh chứng tỏ, tình trạng mất vệ sinh không phải là tác nhân gây nên đại dịch này.

Ngoài ra, các yếu tố khác như bọ ve, chấy rận, muỗi… mang bệnh từ môi trường tự nhiên truyền cho người cũng dần bị loại bỏ vì không có chứng cứ thuyết phục.

Triệu chứng và cái chết khó tránh khỏi

Sở dĩ được xem là căn bệnh bí ẩn vì ngay cả các bác sĩ thời trung cổ cũng không xác định được mầm bệnh. Triết gia Francis Bacon - người viết tiểu sử Vua Henry VII đã gọi vị vua này là người “cai trị trong đau đớn” bởi không thể kiểm soát được dịch bệnh, lý do đơn giản là không hiểu rõ nó từ đâu đến cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Sau này, có giả thiết cho rằng những đợt bùng phát “Đổ mồ hôi Anh” trùng với sự khởi đầu của thời kỳ nguội dần của các núi lửa ở Indonesia. Cũng có ý kiến bệnh bùng phát sau lũ lụt, mưa nhiều, khi loài gặm nhấm tăng mạnh, thủ phạm lan truyền dịch bệnh. Khoa học hiện đại coi “Đổ mồ hôi Anh” thuộc bệnh truyền nhiễm do Hantavirus gây ra.

Tranh vẽ minh hoạ người mắc bệnh đổ mồ hôi.
Tranh vẽ minh hoạ người mắc bệnh đổ mồ hôi.

Bệnh đổ mồ hôi Anh khởi phát nhanh chóng và không có dấu hiệu báo trước, thường biểu hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng đầu tiên là ớn lạnh và run rẩy, tiếp theo là sốt cao, suy nhược cơ thể. Bệnh nhân thường bị đổ mồ hôi, phát ban.

Giai đoạn ớn lạnh có thể kéo dài từ nửa tiếng đến ba giờ, sau đó tới giai đoạn nóng bức cơ thể và đổ mồ hôi. Mồ hôi tiết nhiều và không rõ nguyên nhân. Người bệnh có cảm giác nóng, nhức đầu, mê sảng, mạch nhanh và khát dữ dội.

Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân kiệt sức và suy sụp tổng thể, thường buồn ngủ. Diễn biến bệnh rất dữ dội, đôi khi gây tử vong trong vòng vài giờ.

Tỷ lệ tử vong khác nhau ở các tài liệu, song hầu hết ghi nhận từ 30% đến 50%. Một số văn bản y khoa khác cho biết nguy cơ tử vong lên tới 80-90%. Lý do có sự khác biệt này là trình độ chuyên môn của bác sĩ thời kỳ đó.

Theo tiến sĩ Thomas Le Forestier, thời gian ủ bệnh đổ mồ hôi Anh là từ một đến 29 ngày, đôi khi lên tới 44 ngày.

Giải mã bí ẩn

Để giải mã căn bệnh, vào năm 2002, các nhà khoa học đã khai quật thi thể của Vua Arthur ở Nhà thờ Worcester. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra bất cứ manh mối nào.

Một số người phỏng đoán bệnh lây lan do những thay đổi ở xã hội Anh sau khi cuộc chiến Hoa hồng kết thúc. Khi ấy, khí hậu mát mẻ, sự thịnh vượng của đất nước và việc mở rộng xây dựng đã tạo điều kiện cho chuột phát triển.

"Vào thời điểm đó, mọi thứ đang thay đổi. Người ta bắt đầu chặt phá rừng trên quy mô lớn. Theo phỏng đoán của tôi, một loại virus trong rừng đã lây lan sang người", Yosi Rimmer, nhà sử học y khoa tại Maccabi Health Services ở Haifa, Israel, cho biết.

Căn bệnh càn quét giới thượng lưu tại Anh.
Căn bệnh càn quét giới thượng lưu tại Anh.

Một số nhà khoa học cho rằng triệu chứng của đổ mồ hôi Anh giống với Đại dịch cúm năm 1918, cũng lây lan thành từng đợt trong hai năm và sau đó biến mất. Dù vậy, hầu hết chuyên gia không tin rằng hai căn bệnh này là một. Nhiều người nhận định đổ mồ hôi Anh chính là bệnh than hoặc bệnh lao.

Bệnh đổ mồ hôi ở Anh bỗng dưng biến mất vào năm 1551 và đến năm 1718, một bệnh tương tự có tên đổ mồ hôi Picardy lại bùng phát tại Pháp, sau đó là các đợt bùng phát hạn chế, lẻ tẻ kéo dài đến năm 1861.

Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Quân đội Queen Astrid, Brussels, Bỉ lập luận Hantavirus là thủ phạm gây bệnh, do dơi, động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột lan truyền. Đây là loại virus RNA gram âm thuộc họ Bunyaviridae. Con người có thể nhiễm virus này qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với loài gặm nhấm.

Cứ như vậy, đại dịch kinh hoàng này luôn là mục tiêu nghiên cứu của các nhà khoa học qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên ngày nay, những gì còn lại chỉ là các bản ghi chép, báo cáo còn không có các mẫu bệnh phẩm nên kỹ thuật phân tích hiện đại cũng không giúp được gì.

Và cho đến nay, đây vẫn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải đáp trong lịch sử y học nhân loại.

Cập nhật: 23/06/2024 Theo Dân Việt/PNVN
  • 13.898