Báo giới trong nước từng nhắc đến Trần Văn Tâm (sinh năm 1962, một người thợ sửa chữa và bán xe đạp điện) tại TP HCM với câu chuyện khá đặc biệt của anh trong quá trình lên ý tưởng và chế tạo chiếc ô tô điện có thể chạy được 160km, với vận tốc 50km/h.
Đáng chú ý là người thợ không qua trường lớp đào tạo bài bản về điện tử, cơ khí nhưng vì yêu thích, nghĩ rằng "người Tây làm được thì người Việt làm được" nên đã mày mò, tự học trên mạng, và mọi người xung quanh, dành tới 5 năm để nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chiếc ô tô điện đầu tay.
Mới đây, sản phẩm của người thợ Việt đã gây chú ý trên trang tin tổng hợp Newflare của Anh. Trong đoạn video và bài viết trên báo ngoại, anh Tâm cho hay, điều thôi thúc anh chế tạo chiếc ô tô điện đó là mong muốn tạo ra sản phẩm ô tô không khí thải, để bảo vệ môi trường vừa có ô tô do chính người Việt sáng tạo ra cho người Việt.
"Ô tô chạy bằng ắc quy và pin, phần điện tử là của ô tô điện, còn các trang bị khác tương tự như ô tô chạy xăng. Trong cấu tạo ô tô gồm 2 bộ cầu trước và cầu sau. Điện cung cấp cho xe là điện 60V và 1 pin lithium. Các sạc xe đơn giản tương tự như điện thoại di động, có thể sạc ở bất kỳ đâu có nguồn điện 220V. Xe trang bị máy lạnh, thiết bị giải trí hát karaoke…", anh Tâm chia sẻ.
Bản vẽ ô tô cũng do chính tay anh phác thảo, trong đó, chiếc xe được lấy ý tưởng từ hình ảnh chim đại bàng tượng trưng cho sự mạnh mẽ.
Ô tô điện do anh Trần Văn Tâm chế tạo.
Sau khi phác thảo, anh sử dụng giấy cắt mô hình xe và mang chúng đến thợ cơ khí để gia công khung xe bằng tôn, sắt. Toàn bộ sản phẩm như anh Tâm tiết lộ đều được làm thủ công.
"Xe thiết kế 4 chỗ ngồi nhưng có thể chở được 5 người, thích hợp với gia đình nhỏ. Khi xe đi trong thành phố có thể đạt tốc độ 50km/h. Đây là phiên bản thử đầu tiên nên tôi thiết kế đi trong thành phố. Khi sạc đầy, xe đi được 160km.
Nếu xe hết pin, có thể sạc lại trong vòng 10-12 tiếng. Nhưng theo khuyến cáo của tôi thì không nên để xe cạn pin mới bắt đầu sạc. Bởi như thế chất lượng pin sẽ không bảo đảm và không bền", anh Tâm cho biết thêm.
Cửa xe thiết kế dạng cánh gấp khi mở được nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực.
Theo người kỹ sư, trước khi hoàn thiện xe mẫu này, anh từng trải qua rất nhiều lần không thành công, khiến anh có phần nản chí, có ý định bỏ cuộc. Dẫu vậy, với mong muốn tạo ra 1 sản phẩm thân thiện môi trường cho người Việt nên anh đã cố gắng hoàn thiện được sản phẩm.
Người kỹ sư kỳ vọng trong tương lai nếu có nhà đầu tư sản xuất, anh sẽ cho ra nhiều phiên bản tối tân, quãng đường di chuyển xa hơn.
Trước đó, chia sẻ với báo giới trong nước, anh Tâm cho biết, anh đã bỏ ra 500 triệu đồng để hoàn thiện chiếc ô tô mẫu. Nếu được thương mại hóa bằng dây chuyền công nghiệp, giá trị có thể dưới 250 triệu đồng hoặc thậm chí là 200 triệu đồng.Theo tính toán, xe chạy 100km mà chỉ tốn khoảng 15.000 – 20.000 đồng tiền điện.