Cần làm gì nếu bạn nhiễm biến chủng Omicron?

Nếu nhiễm biến chủng Omicron, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của y tế địa phương, chủ động cách ly, theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam) cho biết không có test nhanh hay RT-PCR có thể xác định một người nhiễm biến chủng Covid-19 nào. Do đó, khi có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ nhiễm biến chủng này, cần báo ngay cho y tế địa phương để có phương án xử trí phù hợp.

Trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế, bạn cần chủ động tự cách ly y tế tại nhà, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác, nhất là người lớn tuổi, có bệnh nền, trẻ em chưa được tiêm vaccine. Các F1 xét nghiệm Covid-19 ba ngày một lần, trong vòng 14 ngày; tự theo dõi các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, đau họng, khó thở... Nếu kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, người bệnh sẽ được lấy mẫu để giải trình tự gene virus.

"Trường hợp bạn nhiễm Omicron cũng không cần quá lo lắng, bởi chủng này ít gây trở nặng và tử vong hơn chủng Delta", bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ Trần Quang Bính (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nguyên trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) nói phác đồ điều trị cho F0 Omicron không khác so với các biến chủng trước đây. Nhóm trẻ em nếu không may nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi và rất ít di biến chứng. Để khỏi bệnh an toàn, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền) mắc Omicron cũng không nhất định phải điều trị tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Bác sĩ Hà phân tích, điều quan trọng nhất là phải rà soát, phát hiện sớm những người đã tiếp xúc với nguồn lây để xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán. Ngay khi phát hiện dương tính, F0 chưa có triệu chứng, chưa cần chăm sóc y tế phải được cấp thuốc kháng virus (molnupiravir, favipiravir...) cho họ sử dụng sớm, ngăn virus nhân lên trong cơ thể. Như vậy, người bệnh sẽ vượt qua Covid-19 an toàn ngay tại nhà, giảm đến mức tối thiểu nguy cơ nhập viện, trở nặng phải nhập hồi sức (ICU), hoặc tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Trường hợp người bệnh xuất hiện triệu chứng lâm sàng như mệt nhiều, sốt cao, đau tức ngực, khó thở, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) giảm dưới 95%... cần phải vào cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.


Thuốc kháng virus molnupiravir được cấp phát miễn phí cho F0 để điều trị Covid-19. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC))

Theo bác sĩ Hà, chủng Omicron không gây nguy hiểm bằng Delta nhưng nồng độ virus khu trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng và khí quản) cao, do đó tốc độ lây lan nhanh hơn. Nếu số người nhiễm tăng nhanh và nhiều thì số ca nặng cũng sẽ tăng theo. Vì vậy, người dân không được chủ quan, ngành y tế cũng cần chuẩn bị tinh thần, trang thiết bị để đáp ứng điều trị y tế cho bệnh nhân trở nặng, như giường bệnh, oxy, thuốc kháng virus...

Bác sĩ khuyến cáo nhóm nguy cơ cao cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi ba (mũi bổ sung và nhắc lại), đồng thời thực hiện nghiêm 5K; người nhà giữ gìn, tránh lây nhiễm Covid-19 cho họ.

Cập nhật: 28/01/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video