Với lượng đột biến gấp đôi Delta và nhanh chóng thành chủng trội ở Nam Phi, Omicron có nhiều lý do khiến thế giới phải lo ngại và hành động gấp rút.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã xếp biến chủng mới của SARS-CoV-2 (B.1.1.529) vào nhóm "đáng lo ngại" với tên gọi Omicron. Biến chủng này được cho là đã xuất hiện ở châu Phi từ ngày 11/11 trước khi giới khoa học công bố kết quả giải trình tự gene trong tuần này cho thấy Omicron chứa lượng đột biến bất thường.
Chỉ vài giờ sau công bố của Nam Phi, nhiều nước trên thế giới lập tức áp lệnh hạn chế đi lại với một số nước châu Phi, trong đó có Nam Phi, Botswana. Phản ứng này nhanh nhạy hơn nhiều so với khi biến chủng Delta xuất hiện hồi đầu năm nay. Tất nhiên, các nước có cơ sở để lo ngại về biến chủng mới chỉ xuất hiện khoảng hai tuần này.
Omicron là biến chủng SARS-CoV-2 chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay. (Ảnh: Telegraph).
Theo kết quả giải trình tự gene, Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có ít nhất 32 đột biến trên protein gai, một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Delta chỉ chứa khoảng 13 đến 17 đột biến trên protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại, Omicron có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch hơn.
Lawrence Young, chuyên gia về virus tại Trường Y Warwick ở Anh, nhận định biến chủng Omicron "rất đáng lo ngại". "Nó là phiên bản virus chứa nhiều đột biến nhất mà chúng ta từng thấy. Biến chủng này có chứa một số đột biến mà chúng ta từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Nó thậm chí còn có những đột biến mới", chuyên gia Young cho biết.
Giới khoa học từng dự đoán về sự xuất hiện của một biến chủng mới là "phiên bản mở rộng" của Delta. Tuy nhiên, Omicron hoàn toàn không liên quan. Thay vào đó, nó chứa đồng thời một số đột biến đáng lo ngại nhất của các biến chủng Alpha, Beta, Gamma và các đột biến hoàn toàn mới.
Giáo sư Ravi Gupta của Đại học Cambridge hồi đầu tháng này từng nói, ông chắc chắn tới 80% rằng, một siêu biến chủng mới sẽ xuất hiện và những thông tin hiện có về Omicron dường như đang chứng minh điều đó.
Neil Ferguson, giám đốc Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu thuộc Đại học Hoàng gia London, cũng cho biết Omicron chứa đột biến trên prorein gai nhiều "bất thường" và nó có thể có khả năng né miễn dịch cao hơn so với các chủng ban đầu của SARS-CoV-2.
"Tôi e rằng Omicron có thể khả năng cao hơn trong việc trung hòa kháng thể được tạo ra nhờ miễn dịch tự nhiên hoặc vaccine", Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), cảnh báo.
Omicron lây lan nhanh có thể khiến hệ thống y tế của châu Phi căng thẳng. (Ảnh minh họa: Reuters).
Một dấu hiệu nữa khiến Omicron trở nên đáng lo ngại là tốc độ lây lan của nó.
Giáo sư Sharon Peacock của Đại học Cambridge cho biết, mặc dù số ca nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi vẫn tương đối thấp, nhưng nó bắt đầu lây lan nhanh trong khoảng một tuần trở lại đây. Bà cho hay, hôm 16/11, Nam Phi chỉ ghi nhận 273 ca nhiễm, nhưng đến ngày 25/11, con số này là hơn 1.200 ca, với hơn 80% tập trung ở tỉnh Gauteng.
Theo ông Tulio de Oliveira, một chuyên gia về giải trình tự gene, Omicron hiện chiếm khoảng 75% mẫu giải trình tự gene SARS-CoV-2 ở Nam Phi. "Nó có vẻ rất dễ lây lan. Trong vòng chưa đầy hai tuần, nó dường như đã trở thành biến chủng trội ở Nam Phi, vượt qua cả Delta", nhà khoa học về gene Yatish Turakhia nhận định.
Chung quan điểm này, Tiến sĩ Ashish Jha tại Đại học Brown cho rằng, Omicron có cơ chế hoạt động "rất khác" và nó "nhanh chóng trở thành biến chủng trội ở Nam Phi chỉ trong vòng vài ngày đến vài tuần thay vì vài tháng". Chuyên gia Tulio de Oliveira dự đoán với đà lây lan như vậy, Omicron có thể sẽ nhanh chóng gây sức ép lên hệ thống y tế của châu Phi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới.
Omicron được cho là xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana từ giữa tháng 11.
Hiện biến chủng này đã xuất hiện ở Hong Kong, Israel và một số nước châu Âu như Bỉ, Anh và Đức.
Hành khách xếp hàng tại sân bay Johannesburg để rời Nam Phi sau tin tức về Omicron. (Ảnh: AP).
Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi, Botswana và một số láng giềng của các nước này. Các nhà khoa học cho rằng, lệnh hạn chế đi lại có thể làm chậm đà lây lan của Omicron, nhưng cũng khiến cho việc truy vết dịch tễ của biến chủng này trở nên khó khăn hơn.
Do vậy, giáo sư Ravi Gupta khuyến cáo, thay vì áp dụng lệnh cấm đi lại, các nước nên tăng cường xét nghiệm toàn bộ người đến từ những khu vực có nguy cơ cao với Omicron, cũng như kích hoạt hệ thống giám sát để xác định liệu một biến chủng mới có đang lây lan nhanh ở một khu vực cụ thể nào không.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, còn nhiều câu hỏi liên quan đến Omicron cần thêm thời gian để giải mã như liệu biến chủng này có dễ lây lan, có độc lực cao hơn so với chủng gốc hay không. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng để hạn chế nguy cơ lây lan và biến chủng của virus, song vấn đề mà giới nghiên cứu phải tìm hiểu là vaccine có hiệu quả tới mức nào với Omicron.
"Tôi nghĩ, tình hình không đến mức mà vaccine trở nên vô dụng (với Omicron). Điều đó gần như là không thể. Vấn đề là virus làm giảm hiệu quả của vaccine ít hay nhiều. Tôi tin chúng ta sẽ có dữ liệu trong vài ngày tới", chuyên gia Jha nói.
"Nó là biến chủng đáng lo ngại, nghĩa là chúng ta sẽ phải nâng cấp ứng phó. Nhưng cũng không nên vội vàng kết luận nó sẽ trở thành vấn đề", tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học lâm sàng Đại học Cambridge, Anh nói.