Làm gì khi bị nhiễm phóng xạ?

  •  
  • 3.019

Liên tiếp các vụ nổ lò phản ứng hạt nhân đã xảy ra ở Nhật. Mức độ phóng xạ tại một số khu vực tăng cao so với bình thường. Không chỉ người dân Nhật hoảng hốt mà cư dân các nước lân cận cũng lo lắng.

Hãng truyền thông BBC dẫn phân tích của các chuyên gia đánh giá về những rủi ro hạt nhân và cách ứng phó trong cuộc khủng hoảng này:

Chất phóng xạ đã bị rò rỉ ra không khí hay chưa?

Rồi. Giới chức Nhật tại Fukushima, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân có cùng tên cho biết 190 người đã bị phơi nhiễm phóng xạ. Tàu chiến USS Ronald Reagan của Mỹ cũng đã phát hiện một lượng nhỏ phóng xạ ở độ xa 169 km so với nhà máy kể trên. Phóng xạ thậm chí đã lan đến tận Tokyo, vốn cách nhà máy khoảng 250 km. Những người sống trong bán kính 20 km so với nhà máy đã được lệnh di tản, còn ở bán kính 30 thì được khuyên ở trong nhà.


Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bốc khói sau một vụ nổ - Ảnh: Reuters

Tác hại tức thì của phóng xạ lên sức khỏe con người là gì?

Phơi nhiễm trước một lượng nhỏ phóng xạ - ở mức độ 1 gray - có thể đã gây khó chịu cho mọi người với hàng loạt triệu chứng như buồn nôn, nôn chỉ trong vài giờ sau khi phơi nhiễm, sau đó có thể là tiêu chảy, đau đầu và sốt cao.

Sau loạt triệu chứng này có thể là quãng thời gian vài tuần hoàn toàn bình thường, nhưng tiếp đến có thể là những triệu chứng mới nghiêm trọng hơn.

Còn nếu bị phơi nhiễm phóng xạ với hàm lượng cao, tất cả những triệu chứng kể trên có thể xuất hiện ngay lập lức cộng với sự tổn hại lên hàng loạt cơ quan nội tạng, vốn có thể dẫn đến tử vong. Phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ 4 gray có thể làm ½ những người khỏe mạnh thiệt mạng.

Thông thường, bệnh nhân ung thư tiến hành xạ trị được qua nhiều liều phóng xạ khác nhau, từ 1 cho đến 4 gray. Tuy nhiên, quy trình này được kiểm soát rất chặt chẽ, chỉ nhắm đến một khu vực nhỏ của cơ thể - nơi tập trung các tế bào ung thư.

Đâu là tác hại lâu dài?

Chất phóng xạ và bệnh ung thư

Hầu hết các nhà chuyên môn đều đồng ý rằng, chỉ cần một lượng rất nhỏ chất phóng xạ ion hóa – nhỏ đến mức 100 millisievert cũng đã có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng tăng ở mức rất thấp.

Nhìn chung, nguy cơ ung thư càng tăng cao nếu cơ thể bị phơi nhiễm với càng nhiều phóng xạ. Phơi nhiễm 1 sievert (1 gray) chất phóng xạ thì làm tăng nguy cơ ung thư dẫn đến tử vong trong suốt 1 đời người lên khoảng 5%. Tuyến giáp và tủy xương là những nơi đặc biệt nhạy cảm với phóng xạ ion hóa. Bệnh bạch cầu – một loại ung thư sinh ra từ tủy xương- là loại ung thư phổ biến do chất phóng xạ gây ra. Bệnh này có thể xuất hiện chỉ vài năm sau khi phơi nhiễm phóng xạ. Còn các loại ung thư khác thường chỉ xuất hiện sau ít nhất 10 năm, bao gồm ung thư phổi, da, tuyến giáp, vú và bao tử.

Ung thư là mối nguy hiểm lớn nhất về lâu về dài. Thông thường, khi các tế bào trong cơ thể đã “hết hạn sử dụng”, chúng sẽ tự sát. Ung thư làm cho các tế bào mất khả năng này, có nghĩa là chúng trở nên bất tử, cứ tiếp tục phân chia theo cách cơ thể không kiểm soát được.

Ngoài ra, cơ thể chúng ta vận hành theo cách giúp các tế bào không bị ung thư và tự động thay thế những tế bào bệnh hoạn. Tuy nhiên, cơ chế này bị bẻ gãy do phơi nhiễm phóng xạ, khiến cho con người ta càng dễ bị ung thư hơn.

Việc không thể khắc phục được các tổn hại do phóng xạ gây ra còn có thể dẫn đến những đột biến ở cơ chế di truyền, từ đó có thể để lại hậu quả cho các thế hệ tương lai, bao gồm chứng nhỏ não, mắt không hoàn chỉnh, chậm phát triển trí tuệ…

Nguy cơ ở trẻ con có cao hơn bình thường ?

Có thể đúng. Cơ thể trẻ con phát triển nhanh, nhiều tế bào phân chia hơn nên tổn hại thường lớn hơn.

Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine hồi năm 1986, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hiện sự gia tăng đáng kể tỉ lệ trẻ em bị ung thư tuyến giáp ở khu vực gần nơi xảy ra vụ nổ.

Hàm lượng phóng xạ bao nhiêu thì gây hại cho sức khỏe?

Chất phóng xạ có thể gây hại đáng kể đối với các hóa chất trong các cơ quan nội tạng của cơ thể, làm gãy liên kết hóa học giữa nguyên tử và phân tử, vốn tạo nên các mô.


Kiểm tra mức độ nhiễm xạ cho người dân tại khu vực gần nhà máy Fukushima - Ảnh: AFP

Cơ thể lập tức phản ứng lại bằng cách cố gắng khắc phục những tổn hại này nhưng trong nhiều trường hợp, mức độ hư hại quá lớn nên không khắc phục được. Cũng có những trường hợp cơ chế khắc phục tự nhiên của cơ thể bị trục trặc.

Mức độ trầm trọng của vấn đề tùy thuộc vào việc người ta bị phơi nhiễm bao nhiêu phóng xạ và trong thời gian bao lâu.\

Mức độ gây hại của phóng xạ lên sức khỏe:

- 2mSv/năm (millisievert/năm)
Đây là mức độ phơi nhiễm phóng xạ trong tự nhiên trung bình của mọi người (1,5 mSv ở Úc và 3 mSv ở Bắc Mỹ)

- 9 mSv/năm
Mức độ phơi nhiễm của phi hành đoàn trên các chuyến bay New York - Tokyo

- 20 mSv/năm
Mức giới hạn trung bình hiện nay đối với nhân viên trong ngành công nghiệp hạt nhân

- 50 mSv/năm
Mức giới hạn trung bình trước đây đối với nhân viên ngành hạt nhân. Đây cũng là mức có trong tự nhiên tại nhiều địa điểm ở Iran, Ấn Độ và châu Âu.

- 100 mSv/năm
Mức thấp nhất được xác định có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư.

- 350 mSv/suốt đời
Tiêu chuẩn để dời chỗ ở đối với người dân sau thảm họa Chernobyl.

- 1.000 mSv trong 1 liều duy nhất
Có thể gây hại tạm thời, chẳng hạn như buồn nôn, giảm số lượng bạch cầu nhưng không gây tử vong.

- 5.000 mSv cho 1 liều
Có thể giết ½ những người tiếp xúc trong vòng 1 tháng.

(Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới)

Các vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật có những rủi ro gì?

Chính phủ Nhật đã công bố đo được lượng phóng xạ lên tới 400 millisiever/giờ tại nhà máy kể trên. Một sievert thì tương đương với một gray.

Giáo sư Richard Wakeford của Trường đại học Manchester (Anh), vốn chuyên về lĩnh vực phơi nhiễm phóng xạ, cho biết hàm lượng phơi nhiễm kể trên chưa đủ để gây bệnh tật. Vấn đề chỉ nảy sinh ở hàm lượng gấp đôi. Tuy nhiên, mức độ 400 millisiever/giờ cũng có thể khởi động tiến trình làm suy giảm khả năng sản xuất tế bào máu trong tủy xương và làm gia tăng nguy cơ bị ung thư dẫn đến tử vong trong suốt một đời người lên từ 2-4%. Thông thường, nguy cơ này ở Nhật ở mức từ 20-25%.

Nhưng chỉ có những người làm việc tại các bộ phẩn khẩn cấp của nhà máy Fukushima mới có thể đã phơi nhiễm với hàm lượng phóng xạ kể trên. Khoảng thời gian họ bị phơi nhiễm ở mức độ 400 millisiever/giờ cũng được cho là ngắn, khiến cho rủi ro giảm xuống.

Mức độ phơi nhiễm phóng xạ đối với phần đông dân chúng Nhật, kể cả những người sống ở gần nhà máy, ở mức thấp.


Em bé này đang được đo mức độ nhiễm xạ - Ảnh: AFP

Cần làm gì sau khi nhiễm phóng xạ ?

Điều đầu tiên cần phải làm là cởi bỏ hết quần áo, giày dép để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm xạ thêm, sau đó là nhẹ nhàng tắm rửa bằng xà phòng và nước.

Có một số loại thuốc thúc đẩy tiến trình sản sinh bạch cầu nhằm chống lại các tác hại gây ra cho tủy xương cũng như để giảm thiểu nguy cơ nhiễm xạ thêm do hệ thống miễn dịch. Cũng có một số loại thuốc khác có thể giúp giảm bớt các tổn hại do chất phóng xạ gây ra cho các cơ quan nội tạng.

Chính phủ Nhật làm gì để giảm thiểu tác hại về sức khỏe cho người dân?

Theo giáo sư Wakeford, nếu chính phủ và người dân phản ứng kịp thời, hầu hết dân chúng sẽ không bị tổn hại gì đáng kể. Ưu tiên hàng đầu là sơ tán người dân ở khu vực xung quanh nhà máy và đảm bảo rằng họ không ăn uống những thực phẩm nhiễm xạ. Mối nguy hiểm lớn nhất là nhiễm chất iot phóng xạ, từ đó có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp. Để đối phó với điều này, cần phải cho mọi người, nhất là trẻ con dùng viên iot ổn định, vốn có thể giúp cơ thể ngăn ngừa nhiễm iot phóng xạ.

Theo TNO
  • 3.019