Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết số lượng của các loài động vật nhiệt đới sống trong môi trường nước ngọt suy giảm nhanh nhất với 70% trong 40 năm qua. Thậm chí, một số loài như cá heo hồng sống ở sông Amazon đã hoàn toàn biến mất trong môi trường tự nhiên.
Hổ Siberi hiện chỉ còn 400 - 500 con trong tự nhiên.
Báo cáo về Chỉ số Sức sống Hành tinh 2010 (LPI) của WWF cho thấy số lượng cá thể hiện nay của 2.500 loài động vật trên thế giới đã suy giảm hơn 30% so với năm 1970. Trong đó, quần thể các loài động vật nhiệt đới và thủy sản nước ngọt có tốc độ suy giảm mạnh mẽ nhất, ở mức gần 70% trong 40 năm qua.
Các nhà khoa học của WWF cảnh báo rằng những loài động vật đặc trưng của rừng nhiệt đới, như hổ, rùa, khỉ và hàng trăm loài chim đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, số lượng của mỗi loài này chỉ còn vài nghìn cá thể sống trong tự nhiên.
Nguyên nhân khiến số lượng các loài động vật nhiệt đới bị suy giảm nhanh là do những tác động của con người, bao gồm: khai thác rừng trái phép, đốt nương làm rẫy, khai thác thủy sản quá mức. Ngoài ra, việc nhiệt độ Trái đất tăng hơn 30% trong 40 năm qua cũng là một phần nguyên nhân làm suy giảm số lượng các loài động vật nhiệt đới.
Ngoài ra, WWF cũng công bố bản báo cáo về Dấu ấn sinh thái (Ecological footprint) năm 2010, cảnh báo con người đang sử dụng tài nguyên một cánh quá mức. So với năm 1970, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiện nay của con người tăng gấp đôi và gấp 1,5 lần so với khả năng đáp ứng của Trái đất. Nếu tiếp tục sống với mức sử dụng tài nguyên như hiện tại, chúng ta sẽ phải cần đến 2 hành tinh như Trái đất vào năm 2030.
Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên đã tính chỉ số dấu sinh thái của từng quốc gia trên thế giới bằng cách đo lượng khí thải CO2, lượng tiêu thụ nước và các nguồn tài nguyên khác bình quân trên một người dân của quốc gia đó.
Theo bản báo cáo này, 10 quốc gia đứng đầu về lượng phát thải carbon bình quân trên đầu người hiện nay là các nước thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ, Estonia, Canada, Úc, Kuwait và Ireland.