Bệnh ung thư được coi là một trong những chứng bệnh nan y nguy hiểm được phát hiện với số ca mắc bệnh ngày càng gia tăng trên thế giới. Không ít giả thuyết cho rằng, ung thư là căn bệnh phát sinh do lối sống, lối sinh hoạt thiếu khoa học của con người. Song phải chăng ung thư là căn bệnh của xã hội thời hiện đại?
Có phải là bệnh của xã hội hiện đại
Với số lượng bệnh nhân được phát hiện là mắc bệnh ung thư và số ca tử vong do ung thư tăng đột biến trong một vài năm trở lại đây, ung thư đã được xem là căn bệnh của xã hội thời hiện đại. TS. Rosalie David – trường đại học Manchester – Anh và TS. Michael Zimmermann – trường đại học Villanova trong nghiên cứu của mình đã khẳng định: cuộc sống xã hội thời hiện đại đã góp phần đẩy mạnh sự hình thành của nhiều yếu tố gây bệnh ung thư.
Các loại hoá chất độc hại từ các sản phẩm gia dụng, tia cực tím, khói bụi công nghiệp, môi trường sống bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, bia rượu, thuốc lá… đã đẩy nhanh số ca mắc bệnh ung thư trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây được tiến hành trên các xác ướp Ai Cập và các bộ xương hóa thạch của người Ai Cập cổ đã giúp khoa học làm rõ điều nghi vấn này. Kết quả kiểm tra đã cho thấy có nhiều dấu hiệu của việc những người này bị chết là do từng bị mắc bệnh ung thư. Có thể nói, ung thư đã tồn tại từ lâu trong lịch sử, mặc dù chỉ là một trong những căn bệnh gây tỉ lệ tử vong thấp trên thế giới.
Các ca ung thư mắc mới sẽ chủ yếu tập trung ở các nước kém phát triển.
Nghiên cứu trên hàng chục nghìn bộ xương cổ và hàng trăm xác ướp cổ, TS. David Zimmermann chỉ phát hiện thấy một số ít trong đó bị mắc ung thư. Tìm hiểu các triệu chứng bệnh được miêu tả trong các tài liệu được ghi lại, các nhà khoa học nhận thấy: dạng ung thư đã gây tử vong cho người Ai Cập và Hi Lạp cổ là ung thư đường ruột.
Nguyên nhân nào làm gia tăng ung thư
Trên thực tế, khi chưa có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư như hiện nay, thì các phóng xạ tự do trong môi trường, tia cực tím từ nắng mặt trời và các virút gây viêm nhiễm dẫn tới ung thư như Papilloma virus, virút viêm gan… cũng có thể gây ra ung thư cho con người.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh ung thư gia tăng như hiện nay xuất phát từ lối sống thiếu khoa học và tác động từ môi trường sống, thực phẩm ăn uống đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến đổi tế bào trong cơ thể.
Thói quen nghiện thuốc lá là một trong những yếu tố làm gia tăng ung thư hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 1/4 tổng số bệnh nhân mắc ung thư hiện nay trên toàn cầu là do ảnh hưởng của thuốc lá. Trong khói thuốc lá có chứa carcinogen là chất độc gây hủy hoại tế bào và kích thích tế bào biến đổi thành các tế bào lạ. Chất độc này dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể con người qua đường hô hấp, qua da do tiếp xúc với khói thuốc… Song lại không thể thải ra ngoài cơ thể. Thay vào đó, chúng tích tụ dần trong cơ thể tại các vùng như gan, phổi và phá huỷ các tế bào hoặc làm biến đổi chúng thành các tế bào lạ.
Yếu tố làm gia tăng ung thư xếp thứ hai sau thuốc lá là rượu. Thói quen uống nhiều rượu khiến cho chức năng dạ dày, gan bị suy giảm và làm gia tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra tiếp xúc với tia tử ngoại trong nắng mặt trời, lối sống thụ động, sử dụng nhiều thực phẩm giàu chất béo, lười vận động cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ ung thư cho con người.
Kết quả xét nghiệm trên các xác ướp người Chile, người Italia từ thế kỷ 14 và các xác ướp Ai Cập cổ cho thấy phần lớn những người này chết trước tuổi 50. Song với những người mắc bệnh ung thư ngày nay không phân biệt lứa tuổi. Rõ ràng, ung thư là căn bệnh tồn tại từ lâu, song dưới tác động của yếu tố môi trường sống và thói quen sinh hoạt của con người, căn bệnh này ngày một gia tăng.
Xu hướng phát triển của căn bệnh ung thư trong xã hội hiện đại
Theo dự báo của các nhà khoa học Anh, thế kỉ 21, ung thư tiếp tục là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao trên thế giới. Khoa học vẫn chưa thể tìm ra cách điều trị dứt điểm các trường hợp khối u ác tính, và ung thư vẫn được xem là căn bệnh nan y khó cứu chữa.
Lý giải cho việc số ca tử vong do ung thư sẽ tăng lên trong tương lai, các nhà khoa học cho rằng, do điều kiện sống thay đổi, thói quen sinh hoạt của con người có nhiều bất lợi cho sức khỏe, kèm theo đó là sự thay đổi khí hậu toàn cầu dẫn tới sự khắc nghiệt của thời tiết, môi trường bị ô nhiễm nặng nề...Những yếu tố này đã tác động đến con người làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, mà trong đó có nguy cơ xuất hiện các tế bào bị biến đổi.
Nồng độ các phân tử phóng xạ tự do trong môi trường tăng cao khiến cho nguy cơ tiếp xúc với lượng phóng xạ gia tăng và là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh ung thư. Các thói quen xấu đặc biệt góp phần không nhỏ vào việc gia tăng ung thư. Theo nghiên cứu tại Mỹ, béo phì do thói quen ăn uống thiếu khoa học, lười vận động cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Ở phụ nữ, chỉ số cân nặng và mức độ béo phì càng cao, cơ thể càng sản sinh ra nhiều hoóc môn oestrogen và tỉ lệ mắc ung thư vú càng cao. Ngoài ra, thống kê cho thấy: số lượng người béo phì mắc các vấn đề về sức khoẻ như ung thư đường ruột, các bệnh về gan, thận… có tỉ lệ cao hơn nhiều so với người bình thường.
Theo thống kê của Tổ chức ung thư Liên hợp quốc, tới năm 2030, số các trường hợp mắc ung thư trên thế giới sẽ tăng gấp nhiều lần con số hiện nay và số các trường hợp tử vong do ung thư sẽ nhiều gấp đôi con số đã được thống kê trên thế giới vào năm 2008. Theo ước tính này, số người bị tử vong do ung thư sẽ lên tới khoảng hơn 13,2 triệu người vào năm 2030.
Hiệp hội nghiên cứu ung thư quốc tế – IARC cũng cho biết, khoảng 21,4 triệu trường hợp mắc mới ung thư sẽ được phát hiện vào năm 2030 và sẽ tập trung chủ yếu tại các nước nghèo – nơi có mức sống thấp và tỉ lệ mắc bệnh tật cao nhất thế giới.
Những con số dự báo trên đây của IARC không chỉ đưa ra những cảnh báo về nguy cơ ung thư đang bùng phát mà còn là lời cảnh báo đối với các tổ chức chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia trên thế giới.