Mùa hè nắng nóng cũng là mùa thi cử, sĩ tử dễ bị căng thẳng đầu óc nên rất cần ăn món canh đầu cá để bồi dưỡng sức khỏe toàn thân và não bộ.
Đầu cá là loại thức ăn và thuốc bổ âm |
Theo Tây y, cá có đạm dễ tiêu hóa với nhiều axit amin quý, chất béo omega 3, omega 6, các vitamin, chất khoáng, canxi, phospho, kẽm, pyroglutamat... là những chất rất cần cho phát triển trí não, cho hoạt động dẫn truyền tín hiệu thần kinh, tăng trí nhớ.
Cá và đầu cá được chế biến thành nhiều loại món ăn. Trong đó, món đầu cá nấu canh được dùng nhiều vì tính kinh tế và giá trị dinh dưỡng đối với não. Đặc biệt, sĩ tử mùa thi rất cần ăn món canh đầu cá để bồi dưỡng sức khỏe toàn thân và não bộ.
Theo xu thế mới chuộng bổ âm, chống ôxy hóa, các loại thực phẩm màu đen được trọng dụng hơn như cá lóc đen (cá quả), trắm đen, chép đen. Ngoài ra, có thể dùng các loại cá khác như cá chép trắng, hồng, trắm trắng, mè...
Đông y chia canh đầu cá thành hai loại: “Thanh chưng” là canh chỉ có đầu cá với ít gia vị; còn canh thuốc thì có thêm một số vị thuốc được kê tùy theo bệnh. Thanh chưng vẫn được ưa chuộng hơn vì bảo tồn mùi vị thức ăn ngon thơm mà vẫn phát huy hiệu lực phòng chữa bệnh. Chỉ nên phối hợp dược liệu khi thật cần thiết để tập trung chữa bệnh là chính.
Khi cắt đầu cá, nên lấy thêm một phần thịt ở thân khoảng 3-5 cm để tăng thêm dinh dưỡng và đẹp mắt, ngon mắt. Lấy cả gan, không để dính mật đắng làm mất ngon và gây thêm tính lạnh của món ăn.
Cách nấu canh đầu cá
Nếu ăn canh cá dạng lẩu 3-4 đầu cá, có thể kèm đậu phụ, nấm hương... để cung cấp dinh dưỡng cho não, giúp trí óc minh mẫn. Để có canh chua, nên dùng sấu, me... là nguồn vitamin C phong phú, nhưng nếu chua quá lại có hại, nhất là khi người ăn phải kiêng chất chua hoặc đang có bệnh sốt cao (vì vị chua gây nhiễm vào trong).
Canh đầu cá thanh chưng có thể dùng để ăn vã, ăn với cơm, bún, mì sợi, bánh mì, lấy nước nấu cháo (tùy yêu cầu của người cần đến canh đầu cá). Những phối hợp này sẽ làm tăng giá trị dinh dưỡng của đầu cá đối với não vì đường tinh bột trong ngũ cốc rất cần cho não. Để có tác dụng cải thiện sức khỏe rõ hơn, phải ăn liền nhiều ngày (ít nhất 3-5 ngày). Nếu không chán, ăn thường xuyên không có hại gì.
Một số cách dùng canh đầu cá thuốc
Bổ trí dưỡng não: Đầu cá bỏ vảy, mang, rửa nước lã rồi dội qua nước nóng, rán qua. Cho ít rượu vang, nhân sâm (3 g thái mỏng đã ngâm nước ấm cho nở) đun sôi rồi cho ít gia vị đun tiếp 10 phút lấy ra. Ăn cái, uống nước. Dùng cho người suy nhược thần kinh, hay quên, hoảng hốt.
Đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh: Đầu cá 1 cái, bỏ vây chao trong nước sôi cho hết mùi tanh, tẩm vào rượu vang, gia vị trong 10 phút. Thiên ma 20 g hấp mềm thái miếng. Cho đầu cá vào bát tô, cho tiếp thiên ma, tỏi, gừng đậy vung, hấp chín, sau cùng rắc hạt tiêu ăn nóng hoặc hấp cùng chân giò hun khói, nấm hương, canh gà.
Bổ não an thần ích khí dưỡng huyết: Đầu cá quả (cá lóc) một cái tối thiểu khoảng 50 g, xuyên khung 12 g, hà thủ ô chế 15 g, hoàng kỳ 30 g, một ít gừng tươi, táo đỏ (bỏ hạt) Cho tất cả vào nồi với lượng nước vừa phải. Nấu lửa to cho sôi rồi hạ lửa nhỏ cho chín, nêm gia vị. Ăn cả gừng táo, uống nước canh. Công thức này tốt cho người hay quên, phản ứng chậm chạp, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, biếng ăn.
Cảm phong hàn nhức đầu đau cổ, gáy vai, lưng, sợ gió lạnh, thích trùm đầu, không khát nước: Đầu cá một cái khoảng 250 g, bạch chỉ 6-9 g, xuyên khung 3-9 g, gừng tươi vài lát. Cho tất cả vào với nước vừa đủ nấu chín cá, nêm gia vị để ăn cho một ngày, liên tục 3-5 ngày hoặc cách ngày trong một tuần, tác dụng hoạt huyết hóa ứ, giảm đau. Công thức này còn dùng cho các loại tê thấp của nam nữ. Không dùng cho trường hợp đau đầu do nội thương như tăng huyết áp.
An thai nhiều sữa, chữa phù thũng ở người có thai: Đầu cá chép 1 cái, bí đao 90 g thái miếng vài lát gừng cho vào một lít nước. Nấu chín để ăn cả cái và nước.
Bồi dưỡng phụ nữ sau khi sinh có nhiều sữa, chóng lại sức và phòng chữa nhức đầu: Canh đầu cá với gừng tươi. Nên ăn thường xuyên.