Mali được nhiều người đặt tên là "con voi cô đơn nhất hành tinh".
Được sinh ra ngoài thiên nhiên hoang dã ở Sri Lanka vào năm 1974, voi Mali thuộc giống voi châu Á. Tới năm 3 tuổi, Mali bị tách khỏi gia đình và đem đến nuôi nhốt ở sở thú Manila, Philippines, ngày ngày đối diện với tường bê tông bao 4 phía. Ban đầu, Mali sống cùng 2 chú voi khác nhưng chúng đã chết không lâu sau đó.
Voi Mali thuộc giống voi châu Á.
Trải qua hơn 40 năm sống trong lồng nhốt, Mali không hề có ai để bầu bạn. Mặc dù bên trong chuồng bê tông có vài quả bóng hay một chiếc lốp xe làm đồ chơi tiêu khiển, có một chút nước để đùa nghịch, tường vẽ cây cối nhưng cuộc sống trong không gian hạn hẹp đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tinh thần của Mali.
Các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu động vật quan sát Mali có nhiều biểu hiện khá bất ổn như không ngừng đi tới đi lui, bồn chồn hoặc đôi khi đứng bất động. Năm 2012, chuyên gia về voi Henry Richardson tiết lộ Mali mắc bệnh về chân - căn bệnh của những con vật bị giam cầm, do phải sống quá lâu trên sàn bê tông, thay vì sống trong môi trường tự nhiên.
Một ngày, Mali ăn 150kg cỏ, rau và trái cây.
Tuy nhiên, trái với những cáo buộc như vậy, kết quả xét nghiệm máu năm 2018 lại cho thấy Mali thực sự khá khỏe mạnh so với độ tuổi của nó. Theo giải thích của các nhân viên sở thú, Mali đã được áp dụng chế độ ăn kiêng. Một ngày, Mali ăn 150kg cỏ, rau và trái cây. Là con voi duy nhất của sở thú nên Mali được theo dõi 24 giờ/ngày và chăm sóc cẩn thận.
Đã có nhiều kiến nghị của nhiều tình nguyện viên chăm sóc động vật về việc nên cho voi Mali "nghỉ hưu" và trở lại không gian sống thiên nhiên trước đây của nó nhưng đại diện phát ngôn của Mạng lưới về động vật (NFA) cho rằng: "Voi Mali đã sống trong vườn thú của Manila 40 năm, những người chăm sóc Mali đều yêu nó và tôi chắc hẳn Mali cũng yêu họ. Họ giống như một gia đình vậy".