Một con khỉ đột 33 tuổi đã dành phần lớn cuộc đời mình một mình trong chiếc lồng kim loại trên tầng 7 của một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan, và nó được mệnh danh là con khỉ đột cô độc nhất thế giới.
Bua Noi là một con khỉ đột cái đã sinh sống một mình ở một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan trong hơn 3 thập kỷ. Trên thực tế, đây là một trong những điểm thu hút chính của một vườn thú kỳ lạ - bên trong trung tâm mua sắm lâu đời nhất ở Bangkok, Cửa hàng bách hóa Pata Pinklao.
Chủ sở hữu nơi đây đã nhiều lần từ chối chuyển nó đến một địa điểm thích hợp hơn, bất chấp nhiều yêu cầu từ các nhà hoạt động vì quyền động vật và Chính phủ Thái Lan. Thậm chí ngày nay, những người chủ của Bua Noi vẫn từ chối để nó sống những ngày còn lại trong một khu bảo tồn, cùng với các thành viên khác trong loài của nó.
Suốt 30 năm qua, khỉ đột Bua Noi đã phải sinh sống sau song sắt tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Vườn thú Pata, nằm trên đỉnh trung tâm thương mại Pata tại Bangkok, đã bị tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA Asia gắn nhãn hiệu “một trong những nơi buồn thảm nhất thế giới” - tổ chức này đã kêu gọi đóng cửa cơ sở này sau khi một cuộc điều tra vào năm nay.
“Cơ sở tồi tàn này bị quốc tế lên án là một trong những vườn thú tồi tệ nhất trên thế giới”, Phó Chủ tịch cấp cao của PETA Jason Baker cho biết. “Tôi kêu gọi mọi người giữ áp lực đối với Sở thú Pata và yêu cầu tổ chức này để PETA giúp đưa những con vật này về các khu bảo tồn có uy tín để đáp ứng nhu cầu thể chất và tinh thần của chúng”.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Thái Lan cũng đã tuyên bố rằng ông ấy muốn nhìn thấy Bua Noi, tên có nghĩa là "Bông sen nhỏ", được chuyển đến một khu bảo tồn động vật hoang dã, nơi nó có thể "trải nghiệm môi trường sống tương tự như quê hương của mình và ở cùng với những con khỉ đột khác", nhưng trên thực tế con khỉ đột là tài sản tư nhân và phải có sự cho phép của chủ sở hữu mới được di dời.
Theo PETA Asia, Bua Noi bị bắt khi còn nhỏ và đưa đến vườn thú Pata, nơi đã "giam cầm các con vật trong điều kiện khắc nghiệt" từ những năm 1980. Nhiều bài đánh giá về cơ sở này trên ứng dụng TripAdvisor gọi đây là “địa ngục dành cho động vật”.
“Bua Noi được coi là tài sản riêng nên chúng tôi không thể làm gì để giúp đỡ cho nó”, Thanetpol Thanaboonyawat nói. “Chủ sở hữu đã mua Bua Noi trước khi có luật để ngăn chặn việc buôn bán và sở hữu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cũng như động vật hoang dã. Chúng tôi đã quyên góp được một lượng tiền nhất định từ những người ủng hộ Bua Noi. Nhưng vấn đề là người chủ không chịu bán Bua Noi, và khi chấp nhận bán thì mức giá mà anh ta đưa ra cũng quá cao”.
Theo các nguồn tin Thái Lan, chủ nhân của Bua Noi đang yêu cầu khoảng 800.000 USD để thả con khỉ đột này ra ngoài, công ty sở hữu vườn thú cũng từ chối mọi thương lượng bán con vật này. Đại diện của sở thú khẳng định rằng con khỉ đột được chăm sóc tốt và nó không bị căng thẳng về thể chất cũng như tinh thần.
Khỉ đột có thể sống từ 35 đến 40 năm trong tự nhiên và lên đến 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt.
Thật không may, bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế, không ai có thể làm được gì nhiều, trừ khi chủ sở hữu của vườn thú quyết định để con khỉ đột này nghỉ hưu sau một đời cô đơn. Khỉ đột có thể sống từ 35 đến 40 năm trong tự nhiên và lên đến 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Câu chuyện buồn của Bua Noi gợi nhớ đến một bi kịch khác mà chúng ta đã thấy cách đây vài năm - câu chuyện buồn của Honey, chú cá heo cô độc nhất thế giới, chết một mình trong một công viên nước bỏ hoang của Nhật Bản.
Khỉ đột là một chi thuộc họ người, bộ linh trưởng, động vật ăn cỏ sống trong rừng rậm châu Phi, là giống lớn nhất trong bộ Linh trưởng còn tồn tại. Khỉ đột được chia thành hai loài (có thể có 4 đến 5 phân loài nữa). DNA của khỉ đột giống của con người 98%-99%. Chúng có họ hàng rất gần gũi với con người chỉ sau 2 loài tinh tinh. Loài linh trưởng này có thân hình đồ sộ. Khỉ đột cao từ 1,7–2 m khi đứng thẳng và nặng từ 180–200 kg. Loài vật này thường đi bằng bốn chân dù chúng có thể đứng bằng hai chân. Họ hàng gần nhất của khỉ đột là hai loài tinh tinh và con người, tất cả các loài thuộc họ Người đã tách ra từ một tổ tiên chung khoảng 7 triệu năm trước. Chuỗi gene con người chỉ khác biệt trung bình 1.6% so với chuỗi gene tương ứng của khỉ đột. Cho đến gần đây, khỉ đột được coi là một loài duy nhất, với ba phân loài: khỉ đột đồng bằng phía tây, khỉ đột đồng bằng phía đông và khỉ đột núi. |