Hóa thạch kiến bị kẹt trong hổ phách (Ảnh: LiveScience) |
11.800 loài kiến hiện đại được biết đến ngày nay dường như đã phát sinh từ một loài đơn lẻ cách đây hàng triệu năm, song trước kia các nhà khoa học biết rất ít về lịch sử tiến hoá của chúng.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Harvard, Mỹ phân tích những hoá thạch kiến bị kẹt trong hổ phách và phát hiện thấy tổ tiên của kiến hiện đại đã chạy tới lui trên mặt đất cách đây 140 đến 180 triệu năm.
Tuy nhiên, những con kiến này phân hoá với tốc độ rất chậm. Cho đến khi những loài cây có hoa, hay cây hạt kín, đâm trồi trên hành tinh này.
"Một bước ngoặt xảy ra 100 triệu năm trước, và kiến bắt đầu phân hoá một cách điên cuồng", Corrie Moreau, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. "Đây là cũng là thời gian chúng ta bắt gặp những rừng cây hạt kín đầu tiên".
Những rừng cây này xả nhiều lá cây xuống mặt đất, tạo ra nhiều hang hốc và nơi cư trú thích hợp cho kiến chuyên hoá và đa dạng loài. Ngày nay, số lượng loài phong phú nhất cũng vẫn được tìm thấy trong các thảm mùn thực vật và ngay bên dưới lớp đất bề mặt. Các tán rừng cũng là ngôi nhà ưa thích của kiến, trong đó một vài loài còn học được cách lượn trở về tổ trên cây nếu chẳng may bị rơi xuống.
Các loài côn trùng khác bùng nổ dân số theo sau sự ra đời của cây có hoa. Chúng cũng sống dưới lớp lá mục, tạo ra nguồn thức ăn khổng lồ cho kiến. Và đến lượt mình, chính những loài cây có hoa trở thành thức ăn ưa thích của kiến.
Ngày nay, kiến chiếm khoảng 15-20% sinh khối động vật trên toàn thế giới. Giống như những sinh vật ăn xác, chúng giữ cho mặt đất sạch sẽ bằng cách dọn sạch các mảnh vụn chết.
T. An