Dù đã trải qua hơn ba thiên nhiên kỷ, cây ô liu cổ thụ vẫn xanh tốt, ra trái đều đặn, chất lượng cao.
Cây ô liu lâu đời nhất trên thế giới nằm ở làng Ano Vouves của Kissamos thuộc Chania, Crete, Hy Lạp, được cộng đồng khoa học xác định khoảng 3.000 năm tuổi. "Cụ cây" này được coi là biểu tượng của sự bất tử từ thời cổ đại, ngoài ra, còn có một mô hình 3D ở Bảo tàng cây ô liu ở Vouves nhằm tôn vinh nó. Những cành ô liu được lấy từ đây cũng được kết thành vòng nguyệt quế cho người chiến thắng tại Thế vận hội Athens 2004 và Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
Nhờ phương pháp định tuổi bằng sự phát quang, các nhà khoa học tìm ra thời điểm trồng cây ô liu cổ thụ với chu vi thân lên đến 12,5m.
Cây ô liu 3.000 năm vẫn xanh tươi, ra quả ngon.
Nhà khảo cổ học Ticia Verveer đăng bức ảnh về cây lên mạng xã hội X với nội dung: "Cây đã đứng ở đây khi Rome bị cháy vào năm 64 sau Công nguyên và khi Pompeii bị chôn vùi dưới tấm thảm tro núi lửa dày vào năm 79 sau Công nguyên". Một số người dùng cũng bình luận, "cụ cây" ở Vouves đã sống qua thời đại hoàng kim của Athens, sự trỗi dậy của đế chế La Mã và sự ra đời của chúa Kito. Điều đáng nói là sau ba thiên nhiên kỷ, cây vẫn ra trái đều đặn, cho chất lượng cao.
Cây nằm trong ngôi làng xinh xắn ở đảo Crete. (Ảnh: neoskosmos).
Thân cây có chu vi 12,5 mét và đường kính 4,6 mét, thuộc giống cây tsounati địa phương và được ghép trên một cây ô liu lâu đời. Do được ghép cành nên thân cây được tạo hình như một tác phẩm điêu khắc. Năm 1990, cây ô liu Vouves đã được công nhận là Di tích Tự nhiên có tầm quan trọng lớn và là loại cây lâu đời nhất thế giới.
Cây cổ thụ giúp cho ngôi làng Ano Vouves trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong vùng. Mỗi năm, hơn 20.000 người đến chiêm ngưỡng "cụ cây" và tìm hiểu lịch sử lâu đời của nó. Du khách bị ấn tượng bởi nguồn gốc độc đáo, hình dáng xoắn ốc nghệ thuật, đồng thời muốn thử loại ô liu 3.000 năm "hiếm có khó tìm". Quả ô liu và dầu từ cây cổ thụ này được bán tại cửa hàng lưu niệm của làng. Dầu ô liu được đánh giá có hương vị đậm đà, chất lượng cao, màu hổ phách đẹp mắt, rõ vị tươi, đắng, mùi của thảo mộc và dư vị cay nhẹ.
Những trái ô liu ở khu vực này được đánh giá là ngon nhất thế giới. (Ảnh: VCG).
"Cụ cây" 3.000 năm nằm trên ngọn đồi trồng hàng nghìn cây ô liu. Nơi đây cũng có những ngôi làng được cho là sản xuất ra loại dầu ô liu ngon nhất thế giới, giúp đảo Crete trở thành "cái nôi" của ngành trồng và sản xuất loại dầu này.
Hy Lạp là nước tiêu thụ dầu ô liu cao nhất thế giới, hơn 24 lít/người/năm. Ngày nay, trên toàn thế giới có khoảng 800 triệu cây ô liu, trong đó khoảng 95% được trồng ở lưu vực Địa Trung Hải, nơi có đất đai và điều kiện khí hậu tốt nhất. Ô liu được trồng khắp Hy Lạp. Diện tích trồng loại cây này lớn hơn bất kỳ loại cây ăn quả nào, chiếm khoảng 15% diện tích đất nông nghiệp canh tác và 75% diện tích trồng cây thân gỗ trong cả nước.