Một nhóm các nhà khoa học tại Seoul (Hàn Quốc), đứng đầu bởi tiến sĩ Lim Gio-Bin, đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim từ một con lợn biến đổi gene vào cơ thể của một con khỉ. Đây là lần đầu tiên một ca phẫu thuật ghép dị chủng (cấy ghép giữa các loài khác nhau) được thực hiện thành công tại Hàn Quốc.
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã cấy ghép thành công tim lợn biến đổi gene cho khỉ
Trước khi tiến hành thử nghiệm phẫu thuật ghép dị chủng, các nhà khoa học đã tạo ra lợn bị loại bỏ gene điều khiển hệ miễn dịch đào thải vật thể bằng phương pháp nhân bản vô tính. Sau đó, tim của con lợn này được ghép vào cơ thể của một con khỉ. Kết quả, quả tim đã không bị cơ thể khỉ đào thải và có thể hoạt động bình thường.
Theo Daily Mail, mục đích thử nghiệm ghép dị chủng giữa lợn và khỉ của các nhà khoa học người Hàn Quốc là nhằm sử dụng tim và các cơ quan nội tạng khác của lợn để cấy vào cơ thể người trong tương lai. Nhóm nghiên cứu tin tưởng điều này sẽ thành hiện thực trong vòng 5 năm tới.
“Thành công của chúng tôi đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Mỹ có thể nhân bản vô tính lợn biến đổi gene có khả năng chống đào thải. Chúng tôi dự định sẽ thử nghiệm cấy ghép tim lợn trên người vào cuối năm nay và tin tưởng tim của lợn biến đổi gene có thể được sử dụng thương mại trong cấy ghép trên người vào năm 2017”, tiến sĩ Lim Gio-Bin cho biết.
Cơ quan nội tạng của lợn rất thích hợp để cấy ghép trên cơ thể người, nhưng chúng được bao bọc bởi các phân tử đường nên nhanh chóng bị đào thải trong cơ thể người. Hệ thống miễn dịch của cơ thể người sẽ tấn công các phân tử đường và nhanh chóng phá hủy cơ quan nội tạng từ lợn.