Những bằng chứng từ các lớp trầm tích được lấy lên từ đáy hồ Malawi, Tanganyika ở Đông Phi và Bosumtwi ở Ghana cho thấy khu vực châu Phi xích đạo đã từng trải qua một giai đoạn hạn hán kéo dài.
Theo các nhà khoa học thì nhiều khả năng đây là nguyên nhân khiến một số người đầu tiên trên trái đất rời châu Phi và từ đó sinh sôi nảy nở trên toàn cầu. Dĩ nhiên những người ở lại lục địa đen vào thời điểm ấy chắc chắn phải có sự chịu đựng và một sức sống mãnh liệt để vượt qua tình hình khủng khiếp như vậy.
"Điều này đã tạo sự ảnh hưởng to lớn lên cảnh quan, không chỉ con người mà còn tất cả các loài vật tại châu Phi xích đạo vào thời điểm đó", giáo sư C.Scholz của Đại học Syracuse (Mỹ) khẳng định.
Những tài liệu mà giáo sư Scholz thu thập được cho thấy hơn 75 ngàn năm về trước, do hạn hán mà hồ Malawi (hiện lớn như biển với chiều dài 550 km và sâu 700m) "teo" lại chỉ còn vài hồ nhỏ với chiều rộng chưa đầy 10 km và sâu chưa đến 200m. Tệ hơn, hồ Bosumtwi (hiện rộng 10 km) chẳng còn lấy một giọt nước nào cả. Chắc chắn phải có một trận hạn hán trải dài khắp châu lục và trong một thời gian khá lâu mới gây ra ảnh hưởng như vậy.
Các cuộc nghiên cứu di truyền cũng phát hiện xã hội hiện đại của con người hiện nay có nguồn gốc từ một nhóm khoảng 10 ngàn người sống tại Đông Phi vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kể trên. Và ngay sau khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt, dân số thế giới đã nhanh chóng tăng lên và nhiều người trong số tổ tiên của chúng ta bắt đầu rời khỏi châu Phi để đến cư ngụ tại Trung Đông, châu Á và châu Âu.
Các nhà khoa học ngày càng tin rằng những thảm kịch trong quá khứ xa xôi đã định hình lại sự tiến triển của nhân loại. Nếu vậy thì chúng ta đã nợ những bậc tiền bối bởi để có được cuộc sống ngày hôm nay, một nhóm nhỏ những con người ấy đã cố gắng giành giật sự sống trong cuộc khủng hoảng trên hoặc đã quyết định bỏ đi để tìm nguồn nước.