Một ngôi mộ lạ được phát hiện cách khu vực đền Thái và chùa Tuyết trong phạm vi khu di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần khoảng 2km.
Nơi phát hiện mộ cổ là một triền núi thấp.
Ngày 12/12, trong khi lấy đất để làm đường thôn, những người thợ máy xúc đã phát hiện một đám đất màu xám đen “bùng nhùng” khác lạ, kích thước 3,5m x 4,5m tại vườn đồi thuộc hộ gia đình ông Trần Thanh Tâm, ở thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
Khi đào xuống độ sâu khoảng 4m đã phát hiện trong hố có nhiều khúc gỗ có kích thước dài 3,9m; mỗi cạnh khoảng 35cm x 45cm, phần đầu các khúc gỗ đều có mộng ghép, có các đinh vít bằng đồng dài 30cm, trên bề mặt gỗ có phủ nhiều vôi trắng, than tro, chất keo.
Ngay sau khi nhận tin, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tới hiện trường khảo sát. Theo kết luận sơ bộ, những vật chứng nói trên cho thấy dấu hiệu đây là di chỉ mộ táng thời Trần, có thể là của một vị quý tộc trong triều.
Trong lịch sử 125 năm của triều Trần, An Sinh được chọn là vùng đất linh thiêng, nơi an táng các vua Trần. Các lăng thờ vua Trần ở An Sinh gồm có: Tư Phúc lăng (thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định), Thái lăng (thờ Trần Anh Tông), Mục lăng (thờ Trần Minh Tông), Ngải Sơn lăng (thờ Trần Hiến Tông), Phụ Sơn lăng (thờ Trần Dụ Tông), Nguyên lăng (thờ Trần Nghệ Tông), Đồng Hỷ lăng (thờ Trần Thuận Tông).
Một số đinh ghép mộng bằng đồng được tìm thấy.
Những mảnh ghép mộ cổ là những súc gỗ rắn chắc.
Bên dưới lòng mộ cổ là những lớp than hoạt tính được xếp thành từng lớp.
Khối lượng gỗ từ mộ cổ chứng tỏ quy mô của ngôi mộ.