Chất lượng Đông y, Đông dược đang bị thả nổi

Phần lớn nguyên liệu sản xuất Đông dược ở Việt Nam là hàng nhập khẩu, nhưng thị trường này đang bị tư thương thao túng, chất lượng không hề được kiểm nghiệm. Trong số các lương y đang hành nghề, có không ít người không biết gì về y, chỉ đi học "chuẩn hóa" vài tháng.

Tại hội nghị về y học cổ truyền sáng 13/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng nói: "Hiện nay chúng ta không chỉ lệ thuộc nước ngoài về tân dược mà ngay cả Đông dược cũng thế. Mặc dù là nơi sinh trưởng của nhiều loại cây thuốc, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập tới 70-80% nguyên liệu Đông dược, mà đó là hàng kém chất lượng người ta đã sàng lọc ra rồi, tư thương mua về và lại bán cho các công ty sản xuất. Tình trạng này đến nay vẫn tồn tại vì chúng ta chưa kiểm nghiệm được chất lượng dược liệu".

Ông Lê Lương Đống, Quyền vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền cũng thừa nhận: "Việc lưu thông phân phối thuốc và dược liệu chủ yếu nằm trong tay tư thương. Họ điều tiết về giá cả, chủng loại trên địa bàn rộng khắp cả nước dù phần lớn không hề có chuyên môn. Sự lũng đoạn này diễn ra đã hàng chục năm nay". Ông Đống cũng nhận xét, việc nhập khẩu không kiểm soát được và sự hành nghề trái phép của tư thương khiến chất lượng thuốc y học cổ truyền đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Tình hình quản lý chất lượng dược liệu ngày càng khủng hoảng nếu không muốn nói là đã bị thả nổi.

Ngay cả với nguồn dược liệu được nuôi trồng trong nước, cơ quan quản lý và chuyên môn cũng không kiểm soát được chất lượng. Đa phần hàng hóa được thu mua từ nhiều nguồn trôi nổi vì Việt Nam chưa có nông trường chuyên canh dược liệu nào quy mô lớn. Dược liệu được thu hái tùy tiện, không theo mùa vụ nhất định nào nên hàm lượng hoạt chất cũng không ổn định. Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng cho biết, không ai có thể chắc dược liệu có được chế biến đúng hay không: "Chẳng hạn, có những vị thuốc cần hạ thổ, nhưng người ta chỉ sao, sấy khô cho nhanh, mà thiếu một công đoạn là hiệu quả điều trị có thể mất. Còn việc bảo quản thì ngay cả ở kho thuốc của các bệnh viện y học cổ truyền cũng không đạt, thuốc được đựng trong bao tải bẩn để ngay trên sàn nhà, phơi trên sân bẩn, mốc rất nhiều". Cũng theo ông Trọng, cho đến nay Việt Nam chưa hề ban hành một quy trình chuyên môn kỹ thuật cho việc sản xuất, bào chế, bảo quản và sử dụng Đông dược. Quy trình này đang được Bộ Y tế chuẩn bị xây dựng, ít nhất cũng phải 5 năm mới xong.

Chất lượng thuốc đã vậy, chất lượng thày thuốc cũng không khá hơn. Ông Lê Ngọc Trọng bức xúc: "Chúng ta đang có phong trào chuẩn hóa lương y, nhưng việc này cũng chưa thật 'chuẩn'. Những người vốn đã có hiểu biết về y dược, đi học chuẩn hóa để nâng cao thì không nói làm gì. Nhưng nhiều người chưa hề biết gì về y cũng đi học chuẩn hóa vài tháng rồi về chữa bệnh, rất nguy hiểm cho tính mạng nhân dân. Nhiều địa phương cứ ồ ạt mở lớp để thu tiền, mà không để ý đến tình trạng này".

Nhu cầu chữa bệnh bằng y học cổ truyền đang ngày càng lớn trong khi việc quản lý lại lỏng lẻo nên lương y "dỏm" xuất hiện nhiều. Nhiều người không phải là lương y chính thống, học lỏm vài nơi rồi về quảng cáo là chữa được bách bệnh, kể cả ung thư. Bộ Y tế từng nhận được đơn của một người tự giới thiệu là có bí quyết gia truyền về chữa bệnh AIDS (khi căn bệnh này mới xuất hiện), đã điều trị khỏi cho nhiều người, yêu cầu Bộ công nhận. Nhưng khi Bộ kiểm tra thì thấy những bệnh nhân được coi là mắc AIDS đã chữa khỏi thì mới biết họ bị bệnh lở loét ngoài da, xét nghiệm HIV âm tính. Điều nguy hiểm là nhiều ông lang tự nhận chữa được ung thư, AIDS, và nhận chữa cho người bệnh mà không cần sự chấp nhận của cơ quan quản lý y tế.

Giáo sư Trọng kể: "Có lần Bộ y tế kiểm tra về thông tin một lương y chữa khỏi bệnh bạch cầu cấp cho trẻ em. Người nhà bệnh nhân cho rằng uống thuốc của ông lang thấy đỡ, hỏi kỹ mới biết khoảng nửa tháng khi thấy da dẻ xanh xao, cháu bé lại được đưa đến bệnh viện truyền máu một lần. Ông lang kể trên cũng khuyến khích bệnh nhân đi truyền máu song song với uống thuốc của mình, và người bệnh thì nghĩ là đỡ bệnh nhờ ông ta".

Những câu chuyện trên cho thấy, cơ quan chức năng biết rất rõ những tiêu cực trong hành nghề Đông y dược tư nhân, nhưng chưa có cách gì khắc phục nổi. Việc quản lý đối với lĩnh vực này vẫn đang được thực hiện bằng các phương thức dành cho tân dược và y học hiện đại nên không tránh khỏi những chỗ "vênh" không giải quyết được.

Hải Hà

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video