Sau hơn một thập kỷ chuẩn bị, 45 tấn thiết bị của châu Âu sẽ được đưa dần lên vũ trụ trong vòng bốn tháng tới, trong đó có “viên ngọc” của ngành vũ trụ cựu lục địa – phòng thí nghiệm Columbus. Phòng thí nghiệm này sẽ được lắp đặt thành một phần của trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Châu Âu đã phải mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn dự kiến để có thể tham gia trực tiếp vào trạm không gian này. Quản lý dự án của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) Alan Thirkettle cho biết, kể từ năm 1995 đến nay, họ đã chi khoảng 5 tỷ euro (khoảng 3,5 tỷ bảng Anh, tương đương 7 tỷ USD) cho chương trình.
Khoang nối Harmony của Ý sẽ được phóng vào tuần sau. (Ảnh: NASA) |
Các khoản chi đã tăng đáng kể sau hai lần lỡ tiến độ xây dựng trạm vũ trụ: Lần gián đoạn đầu tiên là khoảng từ năm 1996 đến năm 2000. Khi đó, phía Nga đã không kịp phóng mô-đun điều khiển chính mang tên Zvezda. Lần gián đoạn thứ hai là vào năm 2003, khi tàu Columbia gặp nạn (5 trong số 7 phi hành gia thiệt mạng).
Cơ qua Vũ Trụ Mỹ (NASA) đã tốn 3 năm rưỡi cùng hơn một tỷ USD để sửa tàu con thoi nhằm mục đích hoàn thiện trạm không gian.
Giờ G đã điểm
Tuần sau, các nhà du hành trên tàu Discovery, trong đó có nhà du hành người Ý Paolo Nespoli, sẽ tiến hành lắp đặt một hành lang để “neo” phòng thí nghiệm Columbus của châu Âu và khu liên hợp Kibo của Nhật vào trạm.
“Khi Columbus lên tới đó, chúng tôi sẽ là chủ sở hữu một phần trạm vũ trụ và điều này rất quan trọng,” ông Thirkettle phát biểu. Ông đã có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để chuẩn bị cho việc phóng tàu.
Các nhà du hành của ESA như Paolo Nespoli có nhiệm vụ rất quan trọng. (Ảnh: NASA) |
Châu Âu cũng hy vọng
Châu Âu cũng hy vọng một vài kết quả đột phá từ việc đầu tư vào vũ trụ trong một số lĩnh vực như dược học, công nghệ, hóa chất, vật lý chất lỏng, sinh học và khoa học vật liệu.
Chương trình nghiên cứu vũ trụ của châu Âu khá phong phú nhưng cũng rất tập trung. Ông Thirkettle cho biết các vấn đề liên quan đến sức khỏe phi hành đoàn như chứng loãng xương cũng cung cấp nhiều gợi ý cho các nhà khoa học trên mặt đất.
Các thí nghiệm khác sẽ tập trung nghiên cứu các loại vật liệu mới, chẳng hạn như vật liệu dùng trong sản xuất cánh quạt siêu nhẹ để tăng hiệu năng của động cơ máy bay. “Sau 10 năm làm việc cật lực với dự án này, đây quả thật là một đỉnh cao”, ông Thirkettle nói. “Cuối cùng, chúng tôi sắp có cơ hội nghiên cứu khoa học ở cấp độ cao như mục đích thiết kế Columbus”.
Nhiệm vụ của các nhà du hành châu Âu
Trạm Columbus đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng và sẽ được phóng vào tháng 12. (Ảnh: NASA) |
“Chúng tôi mong các nhà du hành của ESA được làm việc trên cơ sở của chính họ”, nhà du hành Thomas Reiter phát biểu. Nhà du hành này đang quản lý việc nghiên cứu và phát triển vũ trụ tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức.
ESA đã bắt đầu chương trình nghiên cứu trên trạm vũ trụ bằng việc gửi nhà du hành Reiter lên trạm dài ngày hồi năm ngoái. Trước đó, nhà du hành này đã bay lên trạm vũ trụ Mir của Nga. “Việc hợp tác trên vũ trụ hiện nay thật đáng ghi nhận, dù rằng còn vài vấn đề nhỏ đây đó”, Reiter nói. “Cả cộng đồng châu Âu có thể gặt hái được nhiều trong lĩnh vực công nghệ nếu được ủng hộ”.
Đông Quang