Sách Đỏ châu Âu vừa lên tiếng cảnh báo về sự suy giảm đáng kể các loài bướm, bọ cánh cứng và chuồn chuồn tại châu Âu, đồng thời kêu gọi các nước hành động khẩn cấp để cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều loài bướm hiện gần như đã tuyệt chủng ở châu Âu - Ảnh: PA
Theo Sách Đỏ châu Âu, hiện có gần 1/3 loài bướm ở châu Âu bị suy giảm “dân số” với 9% trong số này gần như tuyệt chủng. Trong số này, loài bướm trắng lớn Madeiran và bướm Macedonian Grayling bị đe dọa nghiêm trọng nhất do bị mất môi trường sống bởi các hoạt động khai thác mỏ của con người.
Không chỉ bướm, nhiều loài chuồn chuồn và bọ cánh cứng aphroxylic cũng có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Hiện gần 11% trong số 431 loài bọ cánh cứng có nguy cơ biến mất tại châu Âu, và 7% trong số chúng bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, nguyên nhân do chúng bị mất môi trường sống (do hoạt động chặt phá rừng) và do sự suy giảm số cây cối trưởng thành.
Trong khi đó ở “vương quốc” chuồn chuồn, 11 loài hiện gần như đã tuyệt chủng ở châu Âu, 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu…
Các nhà khoa học cảnh báo sự biến mất của các loài này sẽ ảnh hưởng tới tương lai của hệ sinh thái ở châu Âu, đặc biệt là loài bướm, bởi chúng “giữ vai trò then chốt trong quá trình thụ phấn ở hệ sinh thái mà chúng sống”.
Sách Đỏ châu Âu - do Hội đồng châu Âu tài trợ hoạt động - cho biết các hoạt động bảo tồn thích hợp có thể cứu vãn tương lai các loài này, qua đó "cứu" được hệ sinh thái châu Âu.