Băng tuyết vốn dĩ đã lạnh giá nhưng tuyết màu đỏ càng khiến cho người ta rùng mình hơn vì liên tưởng đến màu máu đáng sợ.
Tuyết đỏ như máu?
Ở các khu vực núi cao, ở độ cao từ 3.000 đến 3.600m, tuyết màu đỏ khiến quang cảnh trở nên ấn tượng một cách rùng rợn.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này thường thấy trong những tháng mùa hè ở Sierra Nevada bang California, Mỹ – nơi nhiệt độ đủ thấp để tuyết từ những cơn bão mùa đông không bị tan hết trong các tháng mùa hè.
Khi người đi ủng dẫm lên mặt tuyết sẽ để lại những dấu chân có màu đỏ, như vừa được rưới nước dưa hấu lên bên trên, thậm chí tuyết còn có mùi dưa hấu tươi nên được gọi là “tuyết dưa hấu”.
Trước đây, một số người suy đoán rằng màu đỏ của tuyết là do yếu tố địa chất từ các mỏ khoáng sản trên tuyết hoặc hóa chất rửa trôi từ các loại đá.
Thực chất, màu đỏ của tuyết ở đây do một loại tảo tuyết có tên khoa học là Chlamydomonas nivalis gây ra.
Tuy tảo tuyết thực sự có màu xanh nhưng đồng thời có chứa sắc tố carotenoid đỏ tươi, có tác dụng bảo vệ các loài tảo khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt trời. Màu đỏ còn giúp hấp thụ nhiệt, cung cấp nước cho tảo khi tuyết xung quanh tan chảy.
Không giống các loài tảo khác, loài tảo này phát triển rất tốt trong tuyết lạnh. Vào những tháng mùa đông, khi tuyết bao phủ, tảo gần như không “hoạt động”.
Đến mùa xuân và mùa hè, khi nhiệt độ tăng, tuyết tan, các chất dinh dưỡng thúc đẩy quá trình nảy mầm của các loại tảo tuyết. Sau khi chúng nảy mầm, tảo mọc trên các bề mặt của tuyết và làm xuất hiện những mảng màu hồng.