Khi những cơn gió mang hơi nước thổi vào khắp các cánh rừng miền Đông Nam Bộ. Tiết trời như chuyển mình từ những đám mây trắng bồng bềnh sang màu xám như nặng nề hơn, nhằm báo hiệu một mùa mưa đến gần. Những loài thực vật ở đây cũng đã nhận biết được khúc giao mùa. Chúng bắt đầu thay những chiếc áo già nua chống chọi với 6 tháng mùa khô, khô hạn và khoác lên mình chiếc áo mới xanh biếc đón nhận những cơn mưa đầu mùa tắm mát. Ở một góc rừng đầy những bụi cây bụi thấp, chen chúc, đan kín cả lối đi. Loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam - Giáng hương quả to Pterocarpus macrocarpus cũng bắt đầu thay áo mới và trang điểm bộ cánh màu xanh biếc bằng từng chùm bông hoa vàng rực rỡ. Với chiếc cuống dài và nhiều lông, vàng rực, đan xen trong từng kẽ lá. Những bông hoa đầu mùa không chỉ biết khoe sắc mà còn phát tán mùi hương thơm ngào ngạt cả góc rừng làm đánh thức lũ bướm ngái ngủ trong chiếc kén sau những ngày dài đói bụng...
Theo quan niệm của người đồng bào Châu Mạ sống ở các khu rừng miền Đông. Mùa hoa giáng hương nở rực rỡ là mùa báo hiệu một năm mùa màng bội thu, báo hiệu một năm mưa thuận gió hoà và một năm đấy ấm no hạnh phúc để các đôi trai gái đang yêu chọn ngày ra mắt đôi bên cha mẹ. và có lẽ thế… Dù đứng gần hay chỉ nhìn từ xa, khi ngắm sắc vàng rực rỡ của loài hoa này cũng cho ta cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng và yêu đời đến lạ lùng.
Sau 6 tháng ngủ khô tĩnh lặng để đợi những cơn mưa đầu mùa tắm mát, đánh thức từng chồi non, lộc biếc và phát hoa nở rực cả một góc rừng chỉ vẻn vẹn trong một tuần. Hoa giáng hương đẹp nhất khi nở thành chùm vàng rực trên cây, vì thế khi cánh hoa mỏng manh kia đã lìa cành, muôn loài cũng ngẩn ngơ tiếc nuối và không khỏi xót xa. Cánh hoa mỏng manh như nhắc đất trời đừng gửi gió về…
Dấu sau những chiếc lá xanh rì là chùm quả với chiếc hạt chính giữa được bao quanh bằng đôi cánh mỏng manh đang đung đưa theo từng cơn gió giao mùa. Khi chùm quả chin khô, những cơn gió mạnh sẽ thổi chiếc cánh hình tròn như một chiếc đĩa bay, bay khắp các khu rừng nhắm phát tán chiếc hạt cách xa cây mẹ và lặng lẽ nằm chìm dưới lớp thảm mục thực vật rừng để chờ mùa mưa năm tới. Để chiếc hạt đâm trồi sinh ra một thế hệ cây con mới cho các cánh rừng thường xanh mãi trường tồn.
Cây giáng hương không chỉ hấp dẫn bằng những chùm hoa vàng rực, chiếc quả với hình chiếc dĩa bay kỳ lạ của thiên nhiên mà chúng còn là loài có gỗ rất tốt, đẹp, bền với những vân gỗ nhiều hình, nhiều dạng, màu đỏ rực và hương thơm ngào ngạt. Theo quan niệm của người dân Nam bộ vì gỗ dáng hương có mùi thơm đặc trưng, bền đẹp nên nó được xếp vào loài gỗ quí chuyên đóng các loại đồ đạc mang tính thờ cúng như tủ thờ, trạm khắc đèn lư trưng lên bàn thờ … vì thế người dân Nam bộ sẽ không bao giờ dung loại gỗ quí này để đóng giường, phản, bàn ghế. Vì họ có một niềm tin là với những loài gỗ được dùng để đóng các sản phẩm mang tính tâm linh thì không nên sử dụng vào những việc khác tránh bị ô uế.