Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu ung thư và tế bào gốc của trường đại học McMaster (Canada) đã có bước tiến đột phá khi tạo thành công máu nhân tạo từ các tế bào da.
Nghiên cứu mang tính đột phá của các nhà khoa học người Canada đã mở ra triển vọng tạo ra một nguồn máu nhân tạo bù đắp cho tình trạng khán hiếm tại các ngân hàng máu của các bệnh viện hiện nay. Ngoài ra, phương pháp tạo máu mới này cũng có thể được áp dụng trong điều trị các bệnh về máu, như bệnh ung thư máu.
Tạo thành công máu nhân tạo từ tế bào da. (Ảnh minh họa Internet)
Trước đây, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra các tế bào máu từ tế bào gốc của các phôi thai. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là máu được tạo ra vẫn còn non, không phù hợp với những người trưởng thành. Ngoài ra, nguồn tế bào gốc từ phôi thai rất hạn chế và phương pháp này có thể gây tranh cãi về vấn đề đạo đức.
Trong khi đó, phương pháp mới tạo máu từ các tế bào da có thể khắc phục nhược điểm này, vì các nhà khoa học có thể tạo ra các tế bào máu trưởng thành và có đặc điểm giống hệt các tế bào máu hiện tại của bệnh nhân, có thể sử dụng ngay sau khi được tạo ra.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm bằng cách lấy các tế bào da của những người trưởng thành ở nhiều độ tuổi khác nhau cũng như tế bào ra của những trẻ sơ sinh. Sau đó, các nhà khoa học đưa các phân tử DNA của tế bào máu vào các tế bào da, giúp biến đổi các tế bào này các tế bào máu.
Phương pháp tạo máu mới này có thể được thử nghiệm tại các bệnh viện từ năm 2012 sau khi các nhà khoa học đánh giá kết quả thử nghiệm trên một nhóm tình nguyện bị bệnh máu trắng. Nhóm nghiên cứu cũng dự định nghiên cứu tạo ra các loại tế bào khác từ tế bào da.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để phát triển những loại tế báo khác từ tế bào da trên cơ thể con người. Những thử nghiệm ban đầu cho thấy kết quả khá khả quan”, tiến sĩ Mick Bhatia, thuộc Viện nghiên cứu ung thư và tế bào gốc – ĐH McMaster và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.