Sự phát triển của con người cũng kéo theo việc bòn rút tự nhiên gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Theo nhiều chuyên gia dự đoán thì trong tương lai, khi tài nguyên thiên nhiên không còn, khí hậu thay đổi, ngay cả việc nuôi trồng thực phẩm cũng là chuyện không tưởng. Sự thiếu hụt lương thực sẽ khiến loài người không còn khả năng tồn tại trên Trái đất nữa, vì nó đã trở thành một tinh cầu chết.
Để tránh tương lai đó xảy ra, nhân loại đang làm tất cả những gì có thể. Từ các biện pháp giảm thiểu khí thải, tăng cường phát triển nhiên liệu sạch, tích cực tái chế... đến nghiên cứu "thịt nhân tạo" để chuẩn bị cho tình huống thiếu hụt lương thực.
Tuy nhiên, nhân loại có thể tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn dành cho thịt nhân tạo, nếu như thuyết phục được con người chuyển sang ăn một thứ khác, thay vì ăn thịt. Món ăn này rất giàu dinh dưỡng, khá dễ ăn nếu biết chế biến, và quan trọng hơn là giúp cắt giảm một lượng lớn khí nhà kính do ngành chăn nuôi thải ra.
Món ăn kì diệu đó chính là côn trùng!
Chuyển sang tiêu thụ côn trùng thì một lượng lớn khí thải nhà kính trong quá trình chăn nuôi cũng được giảm thiểu.
Theo nghiên cứu mới đây của các chuyên gia từ ĐH Edinburgh (Scotland), chỉ cần giảm một nửa số thịt thế giới đang tiêu thụ mà chuyển sang dế hoặc nhộng, lượng đất cần dùng để chăn nuôi sẽ giảm còn 1/3.
Chưa kể, một lượng lớn khí thải nhà kính trong quá trình chăn nuôi cũng được giảm thiểu. Và thậm chí, ngay cả khi chỉ một phần nhỏ nhân loại chuyển sang ăn côn trùng, hành tinh này cũng được rất nhiều lợi ích.
Chăn nuôi là một ngành nghề có quá nhiều tác động đến môi trường.
"Kết hợp nhiều thay đổi trong thói quen tiêu dùng, chẳng hạn như đổi thịt bò thành thịt gà, cắt giảm lãng phí thức ăn, và đưa côn trùng vào bữa ăn hàng ngày là đủ để xây dựng một hệ lương thực vững bền" - tiến sĩ Peter Alexander từ ĐH Edinburgh cho biết.
Theo tiến sĩ, đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh các loại thịt thông thường với một số thực phẩm thay thế - như côn trùng, đậu phụ và thịt nhân tạo.
Côn trùng và đậu phụ được đánh giá là nguồn thực phẩm bền vững hơn, đòi hỏi ít năng lượng để sản xuất.
Trong khi đó, thịt nhân tạo xét về độ bền vững chỉ ngang ngửa việc nuôi gà, thu trứng, nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Vậy nên xét về bài toán kinh tế, rõ ràng côn trùng đang là một giải pháp tuyệt vời nhất dành cho nhân loại.
Một con bò sữa có thể thải ra 110kg khí methane/năm chỉ bằng việc ợ hơi...
Nhưng để đưa được côn trùng vào trong khẩu phần ăn hàng ngày cần tốn khá nhiều công sức, của cả khoa học lẫn các nhà tuyên truyền. Vì sự thực là chúng ta khó có thể thuyết phục ai đó ngưng ăn bít-tết mà chuyển sang gặm dế xiên que cả...
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Global Food Security.