Chiếc áo thun polyester hại môi trường tới đâu?

Nhiều người trong chúng ta hiện đang mặc đồ nhựa từ đầu đến chân. Vậy, vòng đời chiếc áo thun polyester hại môi trường tới đâu?

Có tới 50% loại hàng dệt may ở Úc có nguồn gốc từ vải polyester vì nó bền, rẻ và khô nhanh, theo Đài ABC News.


Ước tính mỗi năm có hơn nửa triệu tấn sợi nhỏ được thải ra đại dương trên toàn thế giới chỉ từ việc giặt quần áo - (Ảnh: XEROS)

Tiến sĩ Shadia Moazzem - tác giả chính của một nghiên cứu thuộc Đại học RMIT ở Úc - cho biết một chiếc áo phông 100% polyester - từ khi còn là dầu mỏ đến khi nó bị vứt vào thùng rác gây hại môi trường - có lượng khí thải carbon (CO2) khoảng 20,56kg.

Số khí thải CO2 để cho ra một chiếc áo thành phẩm tương đương với việc lái xe 140km. Chỉ cần mua 6 chiếc áo là đã tạo ra số khí thải CO2 tương đương với đi chặng đường trên 800km.

Dưới đây là vòng đời của một chiếc áo thun polyester, từ khi nó còn là nhiên liệu hóa thạch đến chiếc áo bạn mặc.

Dầu thô để kéo thành nhựa

Áo polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, một loại nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo.

Loại dầu mỏ này sau đó trải qua một quá trình sản xuất công nghiệp để biến nó thành các hạt nhựa bán tinh thể gọi là polyetylen terephthalate (PET). Đó cũng chính là chất liệu làm nên chai nhựa.

Theo các nhà nghiên cứu RMIT, để tạo ra hạt nhựa PET chỉ cho một chiếc áo phông polyester,  cần 7,6 kilowatt giờ năng lượng và sẽ thải ra 5,95kg CO2.

Điều này làm cho quá trình sản xuất PET trở thành một trong những giai đoạn sử dụng nhiều năng lượng nhất trong vòng đời áo phông.

Để tạo ra polyester, các hạt PET sau đó được đưa qua máy cùng với các tác nhân khác, bao gồm dầu kéo sợi, natri hydrosulphite và axit axetic.

Một số nhà nghiên cứu mô tả quá trình công nghiệp này thấy giống như nhựa nóng chảy qua vòi hoa sen.


30 tấn quần áo bỏ đi, được trưng bày tại Park Avenue Armory ở thành phố New York - (Ảnh: AFP).

Quá trình kéo sợi này sử dụng rất nhiều năng lượng. Để tạo ra một chiếc áo phông, cần tới 5,32kWh năng lượng.

Đó là chưa kể các tác dụng phụ khác đối với môi trường, như sử dụng nước và hóa chất trong quá trình nhuộm vải.

Thuốc nhuộm được dùng trong sản xuất dệt may có thể gây ô nhiễm nguồn nước do chứa chất độc và chất gây ung thư, bao gồm cả crom.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ngành dệt may được công nhận là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Dệt nhựa sang may mặc

Carbonfact, một công ty công nghệ giúp theo dõi lượng khí thải carbon, cho biết bối cảnh môi trường của mỗi quốc gia may mặc quần áo sẽ tạo ra lượng khí thải carbon khác nhau.

Dữ liệu của Carbonfact ghi nhận một sản phẩm áo phông polyester được sản xuất tại Việt Nam thải ra lượng CO2 ít hơn 25% so với sản phẩm áo phông được sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Đây là những quốc gia đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp may mặc.

Cũng theo dữ liệu của Carbonfact, chiếc áo phông polyester của bạn sẽ thải ra lượng khí thải CO2 gấp 120 lần nếu nó được vận chuyển từ Trung Quốc đến Úc.

Câu chuyện chưa chấm dứt, vì giai đoạn tiếp theo trong vòng đời của chiếc áo sẽ là một trong những giai đoạn phá môi trường nhiều nhất, khi một lượng nước và năng lượng không nhỏ được dùng để giặt, làm khô nó...

Các nhà nghiên cứu tại RMIT đã mô hình hóa giai đoạn này trong vòng đời của áo phông polyester. Họ ước tính có 50 lần giặt/năm. Điều này sẽ đóng góp tới gần 1/3 tổng lượng khí thải carbon của chiếc áo, tương đương 6,25kg khí thải CO2.

Một nghiên cứu từ năm 2017 đã phát hiện 1/3 số vi nhựa thải vào đại dương và đường thủy của chúng ta là từ chất liệu dệt tổng hợp.

Tiến sĩ Zoe Mellick ở Đại học Queensland nói: “Sợi tổng hợp như polyester mất nhiều thời gian hơn để phân hủy. Một số nghiên cứu cho biết phải mất 20 - 200 năm mới phân hủy được".

Cập nhật: 04/09/2023 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video