Người Nhật “nâng niu” môi trường

  •  
  • 269

TS Trần Đình Lâm (Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM)

Đến Nhật tôi mới hiểu thêm người Nhật rất chú trọng đến môi trường. Điều này hiển hiện ở mọi nơi, từ việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên trong học đường đến việc kêu gọi cộng đồng gìn giữ cảnh quan.

Ngay trong khuôn viên của ký túc xá đại học, tôi thoáng bối rối khi phải đứng đọc hàng 8-9 thùng đựng rác được phân loại bằng hình ảnh dán bên ngoài để biết được loại rác trong tay nên được bỏ vào đâu.

Đến một nhà hàng Nhật Bản, tôi ngỡ ngàng khi biết đây xuất phát từ một ý tưởng độc đáo của một kiến trúc sư người Nhật: không dùng hệ thống máy lạnh mà chỉ dùng một loại gỗ trồng tự nhiên, mát, có mùi thơm nhẹ có tác dụng trị liệu một số bệnh cho con người.

GS Hitokoto, người đã đến Việt Nam nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói với tôi hiện nay Trung Quốc đang mua gạo của Nhật Bản giá cao hơn ở Nhật 3-4 lần, táo của Nhật Bản giá 800 yen (chừng 100.000 đồng) một trái, sản xuất không đủ để cung cấp cho Trung Quốc.

Một người bạn lớn của tôi, GS Anabuki ở Trường đại học Tokai Gakuen, đã nghỉ hưu và lập trang web giới thiệu về du lịch VN. Ông ưu tư về tốc độ phát triển của VN, e rằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hằng ngày, ông vào khu rừng thiên nhiên ở Nagoya chụp những con chim lạ, giới thiệu lên trang web để kêu gọi các bạn Nhật Bản sang VN với mô hình du lịch sinh thái.

Tất cả những sản phẩm này đều sản xuất tự nhiên không dùng các hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, gần gũi với môi trường sinh thái... Ông mong muốn những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở VN tận dụng khe hở của thị trường để xúc tiến các loại hàng hóa cao cấp này.

Trong buổi nói chuyện về cải cách kinh tế VN: cân bằng giữa văn hóa và kinh tế tại khoa sinh thái nhân văn ĐH Tokyo, GS Watanabe đánh giá cao về tăng trưởng kinh tế ở VN. Ông hồ hởi nói về dự định sắp tới nghiên cứu đề tài tận dụng tri thức bản địa để làm giảm sự tác động của nông nghiệp hiện đại đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên ở VN.

Sau khi phát triển gần như tột bậc lên các đỉnh cao của công nghệ, ngày nay Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống. Chính phủ đã ưu tiên chi những khoản tiền cho nghiên cứu trong các đại học và dự án của GS Watanabe được chọn để đến nghiên cứu ở VN.

Cần có những nghiên cứu cụ thể, các bằng chứng khoa học để giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét và phát triển kinh tế bền vững, gắn sức khỏe con người với môi trường tự nhiên, không thể chỉ chăm lo phát triển đất nước mà bàng quan với môi trường, bất chấp hậu quả.

Chúng tôi lại được gặp các GS Matsuda, Watanabe, Sampei, Pham..., những người đã cùng bạn bè mình ở Trường ĐH Tokyo Joho quyên góp xây dựng một trường tiểu học ở vùng quê nghèo Bình Thuận. Trường đã đi vào hoạt động, họ cảm thấy hạnh phúc khi mỗi lần trở lại thăm các em học sinh, nhìn những khuôn mặt thơ ngây rạng rỡ nụ cười.

Họ khoe với chúng tôi những tấm hình chụp các cây xoài nặng trĩu quả. 600 cây xoài đã được gửi sang và nay sống được 300 cây. Vụ xoài thu hoạch hằng năm sẽ phụ thêm một nguồn kinh phí cho các em học sinh. Cảnh quan xung quanh nhiều màu xanh tươi đẹp, tràn đầy sức sống, hứa hẹn một tương lai êm đềm sung túc cho đất nước VN.

Những tấm lòng đầy tính nhân văn từ đất nước xa xôi như một thông điệp: hãy chung tay phát triển cộng đồng và gìn giữ môi trường trong lành mãi mãi.

Theo Vietnamnet
  • 269