Các nhà khảo cổ học ở miền Trung Trung Quốc đã khai quật được một chiếc mặt nạ bằng vàng có niên đại ít nhất 3.000 năm, từ đó mở ra nhiều câu hỏi về triều đại nhà Thương.
Đây là chiếc mặt nạ đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy từ triều đại nhà Thương (1600-1046 TCN), theo South China Morning Post.
Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc hôm 16/9 cho biết mặt nạ vàng này được phát hiện trong lăng mộ hoàng gia ở quận Thương Thành, thuộc thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam).
Chiếc mặt nạ này cũng xuất hiện trước một mặt nạ vàng khác được tìm thấy ở Di chỉ Tam Tinh Đôi vào năm ngoái. Tam Tinh Đôi được cho là trung tâm của vương quốc Thục Hán cổ đại, cùng tồn tại với triều đại nhà Thương.
Đài phát thanh truyền hình Hà Nam dẫn lời ông Gu Wanfa, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ học thành phố Trịnh Châu, cho biết không giống như mặt nạ vàng được khai quật ở Tam Tinh Đôi, mặt nạ ở Thương Thành che toàn bộ khuôn mặt để các linh hồn có thể còn nguyên vẹn.
Mặt nạ vàng được tìm thấy ở quận Thương Thành, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Weibo).
"Đã có một câu nói về bubaijinshen, hoặc một cơ thể bằng vàng bất diệt, từ thời cổ đại ở Trung Quốc. (Mặt nạ vàng này) chứng minh rằng khái niệm đó đã tồn tại từ thời nhà Thương”, ông nói.
Các món đồ bằng vàng khác được tìm thấy trong các ngôi mộ này, trong đó có tiền xu bằng vỏ sò, vũ khí bằng đồng và ngọc bích.
Trước những phát hiện ở Thượng Thành, chỉ có một số đồ vật bằng vàng được phát hiện từ các di chỉ của triều đại nhà Thương.
Nhân dân Nhật báo dẫn lời ông Gu cho biết phát hiện này đã đặt ra những câu hỏi mới, như liệu chiếc mặt nạ được làm tại địa phương hay được trao đổi, và liệu các đồ tạo tác bằng vàng có được phát triển ở miền Trung Trung Quốc trước khi phổ biến về phía tây nam hay không.
Phát hiện này cũng đặt ra câu hỏi về những tác động văn hóa thực sự của chiếc mặt nạ vàng trong triều đại nhà Thương, ông cho hay.