Để bù lại cho giấc ngủ bị mất trong thời gian bay những chuyến xuyên đêm rất dài, những chú chim di cư đã phải "ngủ bù" bằng hàng trăm giấc ngủ 1 ngày, mỗi giấc chỉ kéo dài vài giây. Đây là công bố mới của các nhà khoa học nghiên cứu động vật.
Chim hét |
Để tìm hiểu tại sao loài chim này có thể chịu đựng những khoảng thời gian mệt nhọc dài như vậy, các nhà khoa học đã quan sát những con chim hét được nhốt trong lồng suốt 1 năm, và ghi lại thời điểm và khoảng thời gian mà chúng ngủ. Họ tìm ra rằng trong suốt mùa thu và mùa xuân, thời gian mà các loài chim thường đi di trú, những con chim dù ở trong lồng cũng thay đổi hoàn toàn thời gian biểu cho việc ngủ của mình. Chúng thức suốt đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày.
Tuy nhiên, thay vì những giấc ngủ kéo dài, chúng sẽ ngủ thành nhiều lần khác nhau, trung bình mỗi lần kéo dài 9 giây.
Ngoài ra loài chim này còn ngủ theo vài cách khác nhau. Đôi lúc chúng chỉ nhắm một mắt, trong khi con mắt kia và một nửa não bộ vẫn hoạt động, giúp chúng tránh được những mối nguy hiểm đang rình rập. Đôi khi thì chúng nhắm cả 2 mắt nhưng chỉ ngủ một cách lơ mơ.
Bằng cách thay đổi trạng thái ngủ như thế, chim hét và các loài chim di cư khác có thể nghỉ ngơi mà vẫn đảm bảo độ an toàn cho mình.
Những gì các nhà khoa học vừa khám phá ra với giấc ngủ của các loài chim di cư cũng cho thấy ngủ cũng không kém phần quan trọng đối với mọi cơ thể sống, có thể không phải chỉ với con người hay động vật.
PHƯƠNG ANH