Chim hải âu rụt cổ có tên khoa học là Fratercula arctica. Đây là một trong những loại chim biển ở Đại Tây Dương có nhiều đặc điểm lạ lùng, loại chim này chủ yếu chỉ sống ở biển (ngoại trừ mùa sinh sản) và có cách thích nghi tuyệt vời với cuộc sống ở đó.
Hầu hết chúng đều trải qua mùa đông ở xa bờ nhưng cũng có một số ít đi trú đông. Đế mùa sinh sản, hải âu rụt cổ lại giã từ mặt nước, bay lên mặt đất để làm tổ đẻ trứng và ấp trứng. Chúng thường tụ tập đông đúc để sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8. Những con chim biển này thích làm tổ ở những chỗ đất mềm không bị đóng băng trên các vách đá nhô ra biển hoặc trên đảo. Chúng thích dùng những cái hang mà trước đó do thỏ hay chim hải âu đào đã bỏ, thỉnh thoảng chúng cũng tự mình làm lấy những cái tổ nhỏ bằng cách dùng chân đào đất ở những chỗ nằm giữa những tảng đá hay trong vùng đầy cỏ.
Chim Fratercula arctica mái thường chỉ đẻ một trứng (thỉnh thoáng cũng có 2 trứng), chủ yếu là chim mái ấp trứng, sau 40-43 ngày trứng mới nở. Hầu hết chim biển nuôi con bằng cách mớm cho con những thức ăn ợ lên từ trong bao tử, nhưng hải âu rụt cổ lại thường mớm cho con mình nguyên cả con cá.
Điều khiến cho người ta kinh ngạc nhất là chúng có thể bắt nhiều cá chỉ trong một lần lặn duy nhất, và xếp những con cá bắt được nằm ngang trong mỏ rồi bay về tổ mớm cho con ăn.
Hình dáng bên ngoài của hải âu rụt cổ trưởng thành trông rất đặc biệt. Đầu to, mỏ dẹt có hình tam giác, chân màu vàng cam. Vào mùa hè, mỏ của chúng có màu đỏ, xanh, vàng. Nhưng vào mùa đông mỏ của chúng lại trở nên nhỏ hơn, do mỏ bị rụng mất một phần sắc sặc sỡ, chỉ còn lại màu nâu xám với chóp mỏ có màu hơi vàng. Khi xuân về, mỏ của chúng bắt đầu mọc ra lại.
Chim Fratercula arctica trưởng thành có kích cỡ như chim bồ câu dài khoảng 30cm, nặng 0,6kg. Chúng bay nhanh và mạnh, tốc độ tối đa là 82km/giờ. Do chân ngắn nên trên mặt đất, chúng đi lạch bạch trông rất vụng về. Con non giống hình dạng con lớn vào màu lông, nhưng nhỏ hơn.
Loại chim rụng mỏ kỳ lạ này phân bố ở những vùng biển thuộc Bắc Âu, Iceland, Greeland, đông Bắc - Bắc Mỹ và bắc Đại Tây Dương.