Một con chó giống Labrador đen lai ở Úc mang tên Migaloo đã được huấn luyện thuần thục để trở thành “chó khảo cổ” đầu tiên trên thế giới.
Chuyên gia huấn luyện chó Gary Jackson cho biết Migaloo có khả năng chỉ ra vị trí xương động vật bị chôn vùi cách nay hàng trăm năm. Nó cũng có thể giúp ích cho các nhà bảo tồn động thực vật do khả năng đánh hơi phát hiện nhiều loài động vật, chỉ ra nơi có thực vật xâm thực hoặc hướng dẫn các nhà sinh vật học đại dương săn tìm dấu vết cá voi.
Vì mũi chó có những có những cơ quan cảm thụ khứu giác bén nhạy hơn con người gấp 200 triệu lần nên các nhà khoa học nhờ sự trợ giúp của chúng tại hiện trường khảo sát, để tìm dấu vết và theo dõi mật độ sinh sống của sinh vật hoang dã.
Về khả năng trợ giúp cho công tác khảo cổ của Migaloo, ông Jackson cho biết ông được các trưởng lão bộ lạc thổ dân cho phép huấn luyện và trắc nghiệm khả năng này bằng những mẫu xương tổ tiên của họ tại Viện Bảo tàng Nam Úc.
Thí nghiệm cho thấy Migaloo có thể phát hiện xương trong khu mộ cách nay đã 600 năm, được chôn trong khu vực rộng 0,4ha. Trong vòng chỉ 2 phút, Migaloo chạy vòng quanh vị trí có xương người và bắt đầu đào. Ông Jackson cho biết Migaloo có thể ngửi được xương bị chôn vùi cách nó 3m dù mẫu xương đó chỉ nhỏ bằng móng tay.
Ông Jackson có kế hoạch đưa Migaloo đến Pháp và Bỉ vào năm tới để tìm kiếm những hầm mộ lính Mỹ và Úc thiệt mạng tại những bãi chiến trường hồi chiến tranh thế giới thứ II, nay đã trở thành đất trồng trọt.