Những con khỉ đầu chó đầu đàn cho phép vợ đi giao phối với một số anh chàng kém cạnh, coi đó là cách để bảo vệ con của chúng.
Đây là kết luận của Louise Barrett, một nhà khoa học của Đại học Lethbridge, Canada. Theo Newscientist, Barrett cùng các cộng sự đã nghiên cứu một quần thể khỉ đầu chó chacma (Papio ursinus) trong khu bảo tồn De Hoop tại Nam Phi.
Khỉ đầu chó chacma, một trong những loài khỉ lớn nhất thế giới, có cấu trúc xã hội rất chuyên chế. Trong mỗi đàn có một con đực làm thủ lĩnh. Nó có quyền giao phối với tất cả khỉ cái trong đàn. Khi những con cái bước vào thời kỳ rụng trứng, chúng luôn bị canh chừng nghiêm ngặt bởi thủ lĩnh. Thế nhưng trong đàn khỉ đầu chó chacma mà Barrett theo dõi, thủ lĩnh chỉ làm cha của 41 trên tổng số 64 khỉ con. Ông không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra khi mà con đầu đàn luôn giám sát những nàng “vợ” của nó.
Những lần quan sát sau đó cho thấy những con đực trong đàn đã giao phối với các “vợ” của thủ lĩnh. Điều này xảy ra không phải vì con đực đầu đàn quá bận rộn, mệt mỏi hay thiếu kinh nghiệm trong việc canh chừng những con cái. Thay vào đó, thủ lĩnh làm ngơ khi nhìn thấy các những con khỉ cái giao phối với các con đực khác.
Khỉ chacma có cấu trúc xã hội rất nghiêm ngặt. Ảnh: salon.com.
Theo Barrett, không phải ngẫu nhiên mà khỉ đầu đàn trở nên hào phóng với lũ khỉ đực. Trên thực tế đó là một chiến thuật để bảo vệ đàn con của thủ lĩnh mỗi khi nó vắng mặt. Thông thường, khi con đầu đàn chết, bị thương hoặc đi xa, một thủ lĩnh mới sẽ xuất hiện (thường từ một đàn khỉ khác). Thông thường con đầu đàn mới giết tất cả con non trong đàn để những khỉ cái phải sinh con cho nó. Nhưng nếu trong đàn có con của những khỉ đực khác, chúng sẽ liều mạng để bảo vệ con. Khi đó những đứa con của thủ lĩnh cũ cũng sẽ được bảo vệ.
Barrett nhận thấy những con đực được làm bố có xu hướng gắn bó với đàn lâu hơn (trung bình 23 tháng), trong khi những con đực không có hậu duệ chỉ sống trong đàn khoảng 5 tháng.
Thời gian chung sống với đàn dài hơn cho phép khỉ đực xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với những con cái. Mối quan hệ với khỉ cái càng gần gũi, khỉ đực càng gắng sức trong việc bảo vệ những con cái và con non nếu thủ lĩnh mới có ý định tàn sát.
“Nếu một con khỉ đực ở vị trí thấp và không được làm bố, nó sẽ chẳng có động cơ để tạo dựng những mối quan hệ với khỉ cái”, Barrett giải thích.
Chiến thuật “cho vợ ngoại tình” của khỉ đầu đàn có vẻ như đã phát huy tác dụng. Barrett nhận thấy chỉ có một khỉ con bị giết khi đàn khỉ mà ông nghiên cứu có thủ lĩnh mới.