Chóng mặt có thể do nhiễm độc hay u não

Bạn đừng xem thường triệu chứng chóng mặt vì nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như viêm màng não, nhiễm độc chì, u não...

Chóng mặt là một trong những nguyên nhân gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay tai nạn sinh hoạt. Người bị chóng mặt cảm thấy mọi vật xung quanh đều quay cuồng hoặc chính bản thân mình quay tít như đứng giữa một cơn lốc; có thể thấy mất thăng bằng, đi đứng không vững, cảm giác bồng bềnh như đang đứng trên thuyền, cảm giác bước hụt hoặc lâng lâng như không có trọng lượng, nôn nao, khó chịu, ruột gan như đảo lộn.

Chóng mặt thường diễn biến thành cơn, ngắn là vài phút, dài là một vài ngày hoặc hàng tuần. Cơn tái phát nhiều lần. Người bệnh luôn trong tình trạng lo âu, sợ sệt. Cơn chóng mặt có thể xuất hiện khi bạn đang dùng thuốc, đặc biệt là streptomycin; bạn sẽ thấy chóng mặt, quay cuồng, nôn thốc nôn tháo, người bệnh bị suy sụp vì chóng mặt và nôn, không ăn được. Chóng mặt có thể đi kèm với ù tai như tiếng ve kêu, tiếng còi tàu một hoặc hai bên, nghe kém, thay đổi tùy theo từng thời gian, trong cơn nghe kém tăng lên, nhìn chung nghe kém có chiều hướng tăng dần, nghe kém kiểu tiếp nhận. Bệnh nhân đau toàn bộ đầu hoặc vùng đỉnh, chẩm, thường cùng lúc với sự xuất hiện của chóng mặt. Có thể xuất hiện rối loạn giao cảm: mặt nóng đỏ bừng từng cơn, có khi ngất xỉu. Chóng mặt có thể xuất hiện theo mùa và bệnh nhân có thể biết trước được vì xuất hiện chóng mặt theo chu kỳ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây chóng mặt: viêm nhiễm, viêm tai giữa cấp, mạn, viêm tuyến nước bọt do virus, viêm màng não, nhiễm độc (nicotin, chì, thạch tín...). Mang thai, có kinh, có bệnh ở hệ thống mạch máu (xơ hóa mạch máu, cơn co thắt mạch, tăng, giảm huyết áp), bệnh về mắt (song thị) cũng gây chóng mặt. Triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu tổn thương tiền đình và ốc tai (chấn thương xương đá, viêm mê đạo, chảy máu tai trong) hay tổn thương thần kinh trung ương (u tiểu não, áp-xe tiểu não, xơ hóa nhiều nơi, bệnh rỗng hành não, động kinh kiểu Jackson).

Hiện nay, nhờ những tiến bộ mới về thăm khám chức năng thăng bằng, sinh lý bệnh của chóng mặt nên những hiểu biết về nguyên nhân gây chóng mặt ngày càng rõ rệt, kết quả điều trị cũng tốt hơn. Tuy nhiên, người bị chóng mặt cần tìm đến thầy thuốc để khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Tùy nguyên nhân, bác sĩ có thể điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

ThS Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video