Chu du vũ trụ khi đã... qua đời

Không chỉ du hành không gian, nhiều người giàu có còn nghĩ đến chuyện sau khi chết, lọ tro cốt của mình sẽ được chu du trong vũ trụ, hay những sợi tóc chứa ADN của mình sẽ được “nhân bản” ở ngoài trái đất...

Trên trang web của Space Services Inc. - một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ “ngoài trái đất” có trụ sở tại Houston (Texas, Mỹ) có dòng quảng cáo: “Space Services có khả năng mang đến cho bạn sự lựa chọn tối ưu trong việc tưởng niệm người thân quá cố. Chúng tôi có thể đưa tro hài cốt lên trạm không gian quỹ đạo gần trái đất, lên mặt trăng hoặc vào khoảng không vô bờ... cùng nhiều dịch vụ tuyệt hảo khác. Chuyến đi sắp tới: tháng 9/200...”. Từ năm 2000, công ty này đã tổ chức thành công chuyến đầu tiên đưa người lên chôn cất trên vũ trụ.

Để được lên trời, Space Services chỉ đòi hỏi thân chủ chi có... 5.300 USD. Với giá tiền này, người ta sẽ tạo ra một chiếc hộp nhỏ bằng một thỏi son môi, đựng số lượng tro đã được “rút gọn” tối thiểu: 7g, thay vì bình tro nặng khoảng 3 kg thông thường, và phi nó lên một quỹ đạo gần trái đất. Thân chủ đã qua đời thường phải chu du trong tư cách hành khách đi ké tên lửa vận chuyển hay những vệ tinh thương mại. Trong trường hợp cần thiết, công ty này cũng có thể phóng vệ tinh riêng, loại tự hủy sau khi hoàn thành sứ mệnh.

Hộp đựng tro hài cốt để đưa vào vũ trụ. (Ảnh: SK&ĐS)

Công ty Space Services đang cung cấp 4 loại hình cho dịch vụ trên: Earthvuer - tro hài cốt được đưa lên quỹ đạo gần trái đất; Lunar - lên mặt trăng; Voyager - chu du trong vũ trụ; và Astra - lên vì sao. Đã có hàng trăm người được dịch vụ này phục vụ, trong số đó có Gene Roddenberry, tác giả của “tàu vũ trụ Enterprise” và Timothy Leary. Hộp đựng xương đưa lên vũ trụ của Timothy Leary còn được khắc một câu văn bí hiểm: “Hòa bình tình yêu ánh sáng bạn tôi là một”.

Tháng 3/2006 vừa qua, một tên lửa mang theo tro hỏa táng của 187 người đã được phóng lên vũ trụ theo hợp đồng giữa thân nhân những người này với công ty Space Services. Trong số đó có diễn viên nổi tiếng James Doohan (đóng vai kỹ sư trưởng Montgomery Scoott trong bộ phim nổi tiếng Star Trek), phi hành gia Gordon Cooper (người đã bay trên phi thuyền Faith 7 vào năm 1963), những người khác thuộc nhiều thành phần như kỹ thuật viên, y tá, sinh viên đại học...

 “Vũ trụ rộng lớn đủ chỗ cho tất cả mọi người”, Harvin Moore - đại diện Công ty Space Services, nói. “Chúng tôi sẽ còn mở rộng thị trường để tạo cơ hội cho nhiều người khác có thể yên nghỉ trong không gian”.

Những người đã khuất sẽ chẳng mãi chu du ngoài trái đất. Muộn nhất là sau một thập niên, tùy theo đường bay trong quỹ đạo và thời điểm “rải tro” vào vũ trụ, hộp hài cốt của họ sẽ bùng cháy trong lớp khí quyển bao quanh thiên thể mà nó được đưa đến.

Nhân bản ngoài trái đất?

Dự án “Nhân bản ngoài trái đất” được thúc đẩy bởi hãng Celestis và Aeroastro (Mỹ). Tháng 10/2001, một con tàu vũ trụ nhấc mình khỏi nhà ga vũ trụ Pháp tại Kourou, mang theo rất nhiều sợi tóc (tổng trọng lượng khoảng 2 kg) và lao thẳng vào miền vô cực. Hai hãng này muốn chuyển nhân loại đến những nền văn minh xa xôi. Bởi vì trong mỗi sợi tóc đều chứa đựng những thông tin di truyền của con người.

“Có thể một dòng giống ngoài trái đất nào đó sẽ nhìn thấy con tàu của chúng ta như người ta nhìn thấy một đồ vật trôi trong dòng sông vũ trụ và vớt nó lên” - David Goldstein, Phó chủ tịch công trình trên, mong ước: “Từ các đoạn tóc, họ có thể tạo nên thực thể con người mới”.

Điều kiện cho việc tạo nên cả con người từ một đoạn tóc là người ngoài trái đất phải là những nhà kỹ thuật gene hoàn hảo, biết cách xử lý những thông tin di truyền hoàn toàn lạ lẫm. Thêm nữa, người ta phải chắc chắn rằng những thông tin di truyền không dần dần bị phân rã trong quá trình bay. “Để gìn giữ những thông tin di truyền trong một thời gian dài, phải lưu trữ trong điều kiện lạnh và khô” – nhà sinh vật phân tử học Matthias Krings ở Munich nói. Về phương diện này, các điều kiện trong vũ trụ cũng không đến nỗi tồi. Người ta chỉ cần bảo vệ những thông tin di truyền của nhân loại trước ngọn lửa vĩnh hằng của các tia vũ trụ.

Những người xây dựng hộp chứa gene còn chuẩn bị trước cho đối tác nhận thông tin có tiềm năng. Để các nhân vật ngoài trái đất không nhầm lẫn món quà râu tóc này với một loại rác vũ trụ nào khác, một ống kính thiên văn radio được trao nhiệm vụ phát thông điệp giải thích.

Chuyện gửi trước một bản “hướng dẫn sử dụng” chắc chẳng vội vàng gì. Bởi vì sớm nhất thì cũng phải... vài chục nghìn năm tới, con tàu vũ trụ này mới hạ cánh xuống một hệ mặt trời khác.

Các nhà nghiên cứu thị trường của hai công ty trên đang mở rộng tiếp thị sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản. Để có đủ một chuyến lên vũ trụ, họ phải tìm cho được một vài triệu những người đam mê vũ trụ đến điên khùng, sẵn sàng nhổ tóc và sẵn sàng nộp 50 USD phí chu du vũ trụ cho lọn tóc của mình.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video