Và lượng nhựa này đến từ muối chúng ta ăn mỗi ngày đó.
Chúng ta đang ăn rác thải nhựa mỗi ngày?
Theo thống kê, hàng năm có tới 5 triệu tấn rác nhựa được đổ ra các đại dương trên toàn thế giới, và các khoa học gia cho hay, số rác nhựa này đang làm ô nhiễm cả lượng muối chúng ta ăn hàng ngày.
Cụ thể, các nhà khoa học tại ĐH Đông Trung Quốc (Thượng Hải) đã thử kiểm tra các mẫu muối làm từ nhiều nguồn khác nhau: muối biển, muối từ hồ nước mặn, muối mỏ...
Mỗi năm chúng ta đang nuốt hàng ngàn hạt nhựa siêu nhỏ qua đường muối.
Kết quả cho thấy muối biển có chứa tới 550 - 681 hạt nhựa siêu vi/kg. Muối làm từ hồ nước mặn và muối mỏ có tỉ lệ thấp hơn - khoảng 204 hạt/kg. Một người bình thường khoảng 5 - 12g muối một ngày, tức là trong một năm đã nuốt tới hàng ngàn hạt nhựa như vậy.
Các chuyên gia cho biết những hạt nhựa siêu vi này đến từ 2 nguồn: do rác thải nhựa phân hủy, và từ những hạt nhựa siêu nhỏ (microbeads) có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt hoặc kem đánh răng. Trong đó loại đến từ mỹ phẩm thường theo các đường ống đổ thẳng ra biển.
Các hạt nhựa microbeads có trong các loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt và kem đánh răng.
Các microbeads thường có kích cỡ rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi ra đến đại dương, các loài động vật có vỏ như nghêu, sò, ốc... ăn phải, và rồi lại đi vào cơ thể chúng ta khi... lên đĩa. Theo thống kê, những người thường xuyên ăn động vật có vỏ cũng đồng thời phải tiêu hóa 11.000 hạt nhựa mỗi năm.
Sinh vật phù du ăn phải các hạt microbeads rồi trở thành thức ăn cho các loài động vật khác, và cuối cùng lại chui vào bụng chúng ta. Một vòng luẩn quẩn.
Vậy nuốt phải các hạt nhựa này có sao không? Một số thí nghiệm đã chỉ ra rằng các hạt nhựa có kích cỡ nano thậm chí có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra cái chết của số lượng lớn các loài cá trên thế giới.
Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và Polychlorinated biphenyl (PCB - nhóm các hóa chất gây ung thư).
99% chim biển sẽ phải ăn rác nhựa trong 50 năm tới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology của Hội Hóa học Mỹ.