Những con chuột lớn hơn 50% so với mức trung bình đang đe dọa quần thể chim MacGillivary´s Prion trên đảo Gough ở phía nam Đại Tây Dương.
Hiệp hội Bảo vệ các loài chim Hoàng gia Anh (RSPB) đã theo dõi những con chim MacGillivary´s Prion (Pachyptila macgillivrayi) trên đảo Gough từ năm 2014 và cho biết chúng đang giảm tới 9% mỗi năm do chuột. Nếu những sinh vật gặm nhấm ăn thịt vẫn còn trên đảo, tổ chức cảnh báo loài chim biển này sẽ có 31% khả năng tuyệt chủng vào năm 2057.
Chuột xâm lấn ăn thịt chim con mới nở trên đảo Gough. (Ảnh: RSPB).
Những con chuột "ngoại cỡ" đang ăn tươi nuốt sống đàn chim non mới nở trên đảo Gough. Trong số hơn 50 tổ chim từ lứa sinh sản năm nay, chỉ có một con duy nhất sống sót và chưa chắc nó đã sống được tới tuổi trưởng thành. Một số con chuột thậm chí còn tấn công cả chim bố mẹ, buộc chúng phải bỏ trứng để thoát thân.
Chim MacGillivary´s Prion non duy nhất sống sót trong lứa sinh sản năm nay. (Ảnh: Wire feeds).
"Chim MacGillivary´s Prion chỉ đẻ một quả trứng mỗi năm. Thật buồn khi lại một mùa sinh sản nữa, hầu hết chim non đều đã chết. Ngay cả con non duy nhất còn sống cũng phải chờ 7 tuần nữa mới bay được, vì vậy cơ hội sống đến tuổi trưởng thành của nó là rất nhỏ", Kim Stevens, trợ lý thực địa cấp cao của RSPB trên đảo Gough, chia sẻ.
Các loài chuột xâm lấn vô tình được đưa lên hòn đảo Gough xa xôi vào cuối thế kỷ 19. Chúng nhanh chóng thích nghi và phát triển mạnh mẽ, trở thành mối đe dọa lớn đối với các loài bản địa.
Một dự án diệt chuột đã được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng bị trì hoãn cho đến năm nay do ảnh hưởng của đại dịch. Các nhà bảo tồn tin rằng quần thể chim MacGillivary´s Prion có khả năng tự phục hồi và tăng ổn định nếu chuột xâm lấn biến mất.
Chim MacGillivary´s Prion hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do tỷ lệ chết non cao. (Ảnh: Wire feeds).
Số lượng chim MacGillivary´s Prion trên toàn cầu vẫn chưa được thống kê chi tiết nhưng đang suy giảm mạnh do có tỷ lệ chết non cao, khiến chúng bị liệt kê vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đảo Gough là một phần thuộc Lãnh thổ hải ngoại Tristan da Cunha của Vương quốc Anh. Nó nằm cách hơn 3.200 km từ điểm gần nhất của Nam Mỹ và là một trong những hòn đảo xa xôi nhất trên thế giới. Đảo Gough được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1995 và được BirdLife International xác định là Khu bảo tồn Chim Quan trọng.